"Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng vọt cùng số doanh nghiệp thành lập mới có sự cải thiện rất lớn tạo nên bức tranh tích cực hơn về sức khỏe nền kinh tế", là nhận định của Tổng cục Thống kê tại công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2022.
Kinh tế tháng 1.2022 nhiều khởi sắc
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, "có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021".
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả lĩnh vực hoạt động. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022, cơ quan thống kê nhận định.
Cụ thể, trong tháng 1, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 77.100 lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỉ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu tính cả 343.800 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 là 536.100 tỉ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 1.2022, có gần 29.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021; 7.084 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,5%; có 2.025 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,3%.
Dự báo về những kịch bản tăng trưởng kinh thế Việt Nam trong năm 2022, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt từ khi thay đổi Chiến lược phòng chống dịch từ Zero - COVID sang thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô quý IV.2021 và quý I.2022 đều tốt lên, giúp GDP quý 4 tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm trước và giúp GDP cả năm tăng trưởng 2,58%.
Với đà này, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, gồm: Kịch bản thứ nhất, nếu thực hiện tốt cả hai chương trình trọng điểm mà Chính phủ đang hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền thông qua, là phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.
Kịch bản thứ hai, nếu không làm tốt hai chương trình trọng điểm nêu trên thì khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 4,5-5%.
Dòng tiền chảy vào nền kinh tế tháng đầu năm ra sao?
Về hoạt động đầu tư trong tháng 1, Tổng cục Thống kê cho biết tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1.2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước tính đạt 25.300 tỉ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%).
Trong đó vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 3400 tỉ đồng, bằng 3,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 21.900 tỉ đồng, bằng 5,2% kế hoạch năm và tăng 8,5%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.1 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm: odl.3820001-cas-iohk-tar-man-uad-gnaht-et-hnik-ot-gnuhc-os-noc-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal