Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã xác nhận những văn bản phản hồi của Mỹ và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đối với các yêu cầu an ninh của Nga bị rò rỉ trên tờ báo Tây Ban Nha El Pais là xác thực.
Theo đài RT, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc hôm 2-2 đều phủ nhận đứng sau vụ rò rỉ văn bản phản hồi ấy.
"Chúng tôi không công khai những tài liệu này, nhưng bây giờ mọi thứ đã được phơi bày, chúng tôi xác nhận sự thật về những gì chúng tôi đã nói trong những văn bản ấy" - ông Price nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.
Vốn được dự định giữ bí mật, các văn bản do El Pais công khai hôm 2-2 tiết lộ rằng Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu của Nga về việc ngừa mở rộng liên minh này về phía đông, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của NATO đối với “quyền của các quốc gia khác được lựa chọn hoặc thay đổi an ninh” của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong một cuộc họp ngắn ở thủ đô Washington D.C, ngày 31-1. Ảnh: AP
Những văn bản bị rò rỉ cũng cho thấy Mỹ và NATO bác bỏ sự phản đối của Nga trong việc kết nạp Ukraine và bất kỳ quốc gia thuộc Liên Xô cũ vào NATO. Cả hai cũng kêu gọi Moscow rút khỏi Ukraine, cho thấy khối này muốn Nga nhượng lại quyền kiểm soát Crimea cho Kiev.
“Chúng tôi đoàn kết với các đồng minh NATO của mình, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Khi được yêu cầu trực tiếp xác nhận tính xác thực của các tài liệu trên, ông Price trả lời: "Tôi không thấy có gì cho thấy những tài liệu này không thật cả”.
“Nếu bất kỳ ai tiết lộ những văn bản ấy và nghĩ rằng việc rò rỉ sẽ khiến Mỹ xấu hổ. họ sẽ thấy rằng họ đã nhầm lẫn nghiêm trọng” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Price gần như giống với tuyên bố trước đó của phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, người cũng đã phủ nhận việc Mỹ đứng sau vụ rò rỉ văn bản phản hồi, song vẫn tán dương việc công khai các tài liệu này.
Cả ông Price và ông Kirby đều không hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng một đồng minh NATO khác có thể đã làm rò rỉ những văn bản trên cho El Pais, một tờ báo luôn ủng hộ NATO.