Tháng 12 năm ngoái, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ nhích 7% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm qua. Khá nhiều chuyên gia cho rằng gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden là nguồn cơn thổi bùng lạm phát tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn gần nhất với Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã lên tiếng bảo vệ chính sách của ông Biden, dù bà thừa nhận việc tin tưởng lạm phát chỉ tăng "nhất thời" là một sai lầm.
Cụ thể, chia sẻ với Bloomberg, bà Yellen bày tỏ: "Bạn phải xác định rủi ro lớn nhất mà mình đang đối mặt và giải quyết nó một cách hiệu quả. [Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và tác động xấu đến đời sống của người dân], gói kích thích kinh tế của Tổng thống Biden được đưa ra để giải quyết mối lo đó và nó quả thực đã hoàn thành nhiệm vụ".
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ lập luận rằng các nền kinh tế khác - vốn không mạnh mẽ bằng nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang phải đối phó với việc áp lực lạm phát phình to.
Bà Yellen nhấn mạnh, điều đó cho thấy phần lớn mức tăng của lạm phát là do nhu cầu của người tiêu dùng dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa cũng như do sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng dưới ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ trưởng Yellen đã cật lực bảo vệ gói kích thích 1.900 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Biden ban hành hồi tháng 3 năm ngoái để giúp đỡ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền bang vượt qua cú sốc COVID.
Trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp đã nhảy vọt từ khoảng 3,5% hồi tháng 2/2020 lên gần 15%. Tại thời điểm gói kích thích được ban hành (tức tháng 3/2021), tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 6,2% và mức tăng hàng năm của chỉ số CPI là 1,7%. Đến tháng 12 cùng năm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,9% nhưng lạm phát lại leo thang.
"Thực sự không có lý do chính đáng nào để nghĩ rằng một gói kích thích có thể kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp lại thổi bùng lạm phát được", Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh.
Vị bộ trưởng dự đoán, lạm phát cả năm 2022 sẽ giảm xuống còn khoảng 3%, phù hợp với dự báo của loạt ngân hàng lớn. Bà cũng lưu ý rằng cụm từ "nhất thời" mà mình sử dụng trong năm 2021 để mô tả triển vọng lạm phát không thực sự lý tưởng.
"Tôi nghĩ khi nghe tới cụm từ 'nhất thời', nhiều người sẽ nghĩ lạm phát chỉ tăng trong một vài tháng. Đáng lẽ khi đó tôi nên chọn một cụm từ khác phù hợp hơn", bà Yellen chia sẻ với Bloomberg.
Bình luận của Bộ trưởng Janet Yellen được đưa ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hồi tháng 11 năm ngoái cho hay "có lẽ đã đến lúc nên từ bỏ cụm từ 'nhất thời' này".
Kết thúc cuộc họp chính sách gần nhất vào cuối tháng 1, ông Powell cho biết ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã sẵn sàng tăng lãi suất từ tháng 3 để ghìm cương lạm phát.
Chia sẻ tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày, Chủ tịch Jerome Powell cho biết: "Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có ý định nâng lãi suất quỹ của Fed tại cuộc họp tháng 3 nếu điều kiện cho phép".
"Tôi nghĩ ngân hàng trung ương Mỹ có đủ dư địa để nâng lãi suất mà không gây hại cho thị trường lao động", Chủ tịch Powell nhấn mạnh trước truyền thông.
Dù vậy, ông Powell cũng lưu ý, các nhà hoạch chính sách chưa quyết định hoàn toàn con đường chính sách trong tương lai vì Fed cần phải hành động nhanh chóng và linh hoạt dựa vào tình hình thực tế.
Kết thúc, Chủ tịch Jerome Powell bày tỏ: "Chúng tôi cần phải nhanh nhẹn để có thể thích ứng trước mọi kết quả. Fed sẽ tiếp tục chú ý tới các rủi ro, bao gồm rủi ro áp lực lạm phát kéo dài hơn dự đoán…"