Kỳ vọng kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6-6,5% mà còn tăng cao trên 7%. Nhiều cơ hội hỗ trợ cho tăng trưởng GDP năm 2022.
Kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2022 trên 7%
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường- Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, khi thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Quốc hội kỳ vọng kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6-6,5% mà còn tăng cao hơn nữa, đến 7%. Kỳ vọng này xuất phát từ việc nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra rất tốt.
Các chuyên gia kinh tế của VinaCapital ước tính GDP Việt Nam sẽ từ mức 2,6% năm 2021 tăng mạnh lên 7-7,5% vào năm 2022 và tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay. Theo ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay.
“Tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi sức phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng nội địa và các hoạt động xây dựng của Việt Nam, cũng như bởi sự tăng trở lại của lượng khách du lịch vào một số thời điểm ở những tháng sắp tới” – ông Michael Kokalari nhận định.
VinaCapital dự báo Tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) ở Việt Nam sẽ tăng mạnh đạt đến 5%, tăng trưởng của các hoạt động xây dựng tăng 8% trong năm 2022. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam phải nói đến triển vọng của ngành du lịch Việt Nam, thời điểm lượng khách du lịch Việt Nam tăng trở lại sẽ rõ ràng hơn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tức là vào đầu tháng 2 năm nay.
Đặc biệt, theo VinaCapital, đáng lưu ý, nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng được đánh giá là vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI “chảy vào “ Việt Nam vẫn duy trì trạng thái khả quan trong 2 năm vừa qua mặc dù trải qua bùng phát COVID-19 cho thấy lý do lạc quan ở dòng vốn FDI là hoàn toàn có cơ sở.
Nhiều "điểm sáng" hỗ trợ cho tăng trưởng
Theo ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu cải thiện. Tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch.
“Dịch COVID-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý I/2022 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ ràng hơn trong tháng 3 năm nay” - ông Tim Leelahaphan nhận định...
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, mặc dù diễn biến dịch COVID-19 có thể tiếp tục phức tạp, khó lường, tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm khá tốt trong việc kiểm soát đại dịch, có kinh nghiệm để xử lý nhanh nhạy trong việc chuyển hướng chính sách phòng, chống dịch từ “Zero COVID” sang sống chung an toàn với dịch thông qua Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Mặt khác, Việt Nam đã có chuẩn bị các nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ngay như Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có hẳn một nội dung, dành nguồn lực để sẵn sàng có tiền mua vaccine, mua thuốc chữa bệnh hoặc các phương tiện khác khi cần, nói cách khác là vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho chủ động phòng, chống dịch.
“Yếu tố thứ 2 là Việt Nam phải rất tự tin, dù có bối rối, có khó khăn vào thời điểm tháng 4, tháng 5.2021 nhưng đến nay đã quay trở lại khá chủ động, khá an toàn. Trong sự thành công đó, bên cạnh quyết sách kịp thời chuyển hướng quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Thủ tướng Chính phủ thì tôi đánh giá vô cùng cao vai trò, ý thức của người dân Việt Nam. Những điều này khiến ta tin tưởng rằng năm 2022 diễn biến dịch sẽ tốt hơn, song chúng ta vẫn không thể chủ quan”- PGS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Một cơ hội khá tốt cho năm 2022 để Việt Nam có cơ sở tin tưởng về sự tăng trưởng kinh tế là sự phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở khá cao. Điều đó là cơ hội để Việt Nam tiếp cận vào đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều các FTA thế hệ mới với các khối phát triển như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và tới đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEPT). Đây là cơ hội để một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam gặt hái thành công trong năm tới.
Cơ hội tiếp theo là Việt Nam đã có một gói hỗ trợ phục hồi và phát triển. Bước sang năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có thì chuyện ta đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn nữa...
Xem thêm: odl.7601001-7-nert-tad-56-6-ueit-cum-touv-2202-man-et-hnik-gnov-yk/et-hnik/nv.gnodoal