Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam được xác định là một trọng tâm trong chiến lược đối ngoại, lồng ghép trong chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia nhằm nâng cao và quảng bá hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng và mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Nâng tầm hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia
PGS.TS Đặng Cẩm Tú và TS Vũ Lê Thái Hoàng cho rằng: “Thuật ngữ thương hiệu quốc gia (nation brand) và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia (nation branding) được Simon Anholt đưa ra lần đầu tiên trong thập kỷ 1990 nhằm chỉ việc áp dụng các chiến lược tiếp thị đối với đối tác nước ngoài với mục đích tạo dựng và thúc đẩy hình ảnh, danh tiếng quốc tế để phục vụ lợi ích của quốc gia.
Theo nghĩa rộng, thương hiệu quốc gia được hiểu là việc một quốc gia vận dụng các chiến lược về thương hiệu của doanh nghiệp trong quan hệ với một hay một nhóm quốc gia khác nhằm tác động tới quan hệ ngoại giao và các mối tương tác quốc tế. Thương hiệu quốc gia tập trung vào việc xây dựng một hình ảnh tích cực, hấp dẫn nhằm tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế”.
Dưới tác động của toàn cầu hóa, các quốc gia trở nên phải cạnh tranh nhau nhiều hơn để giành sự chú ý, tôn trọng và tin tưởng của các nhà đầu tư, khách du lịch, người tiêu dùng, nhà tài trợ, người di cư, truyền thông cũng như chính phủ các nước khác. Trong cuộc cạnh tranh này, việc có được một thương hiệu quốc gia mạnh là một lợi thế vượt trội.
Thương hiệu và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia cần phải trên thực tế đã trở thành mục tiêu và ưu tiên của chính sách đối ngoại phục vụ phát triển của các nước nhằm tạo hiệu ứng tổng thể để đạt các mục tiêu chiến lược phát triển của quốc gia chứ không chỉ bó hẹp trong từng lĩnh vực riêng lẻ như thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, truyền thông hay khoa học công nghệ.
Khát vọng vươn lên
Từ đầu những năm 2000, cùng với tiến trình Đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, khái niệm “thương hiệu quốc gia” bắt đầu được trao đổi, vận dụng phổ biến ở Việt Nam, trước hết trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, sau đó từng bước mở rộng ra lĩnh vực văn hóa - du lịch, truyền thông và công nghệ. Dù được gọi tên là thương hiệu quốc gia, giá trị hay hình ảnh, bản sắc quốc gia thì điểm chung của các ngành và lĩnh vực nói trên đều nhìn nhận khái niệm này qua lăng kính kinh tế, chủ yếu nhằm đạt những mục tiêu kinh tế trong từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
Trong lĩnh vực thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai từ năm 2003.
Trong lĩnh vực du lịch, Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa được phê duyệt tháng 12.2020 là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (phê duyệt năm 2016) và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (phê duyệt năm 2020).
Trong lĩnh vực công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019 đưa ra thông điệp “Make in Vietnam” (Làm tại Việt Nam) nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài nhằm hỗ trợ các bộ/ ngành, địa phương triển khai các kế hoạch xây dựng, quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Bộ Ngoại giao thời gian qua đã có nhiều bước đi chủ động, tích cực, hiệu quả góp phần định vị và quảng bá thương hiệu quốc gia hiểu theo nghĩa rộng và tiếp cận từ góc độ chiến lược đối ngoại phổ biến trên thế giới hiện nay.
Câu hỏi là “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Theo báo cáo mới nhất của Nation Brands 2020, công bố bởi tập đoàn định giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance, thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng giá trị nhanh nhất trong năm qua. Tổng giá trị thương hiệu đạt 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm trước và đứng vị trí 33 trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Bộ Công Thương cho rằng: “Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài”.
Tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020-2030 đưa ra mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chương trình tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; góp phần tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20%/năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Đồng thời, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, việc xây dựng một thương hiệu trong môi trường kinh doanh hiện nay là không dễ dàng. Để phát triển hiệu quả các chiến lược thương hiệu, cần phải hiểu biết về những áp lực và rào cản này.
Để đạt được điều này, cần phải xem xét các nhân tố khác nhau dẫn đến việc tạo dựng thương hiệu trở nên khó khăn. Nhân tố thứ nhất là áp lực cạnh tranh về giá có ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ xây dựng thương hiệu. Nhân tố thứ hai là sự phát triển nhanh chóng của các đối thủ cạnh tranh dẫn đến giảm sự lựa chọn định vị thị trường và khiến việc thực hiện trở nên kém hiệu quả hơn. Nhân tố thứ ba và thứ tư là sự phân tán của truyền thông, thị trường, sự phong phú và đa dạng của nhiều thương hiệu và sản phẩm...
Xây dựng thương hiệu là vấn đề rất quan trọng đối với tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu chứ không chỉ các công ty Việt Nam. Thương hiệu vừa là tín hiệu, dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ... vừa là công cụ để phòng chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, chương trình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm góp phần giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng có vị thế tốt hơn trên sân chơi toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Nation Brands 2020, công bố bởi tập đoàn định giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance, thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng giá trị nhanh nhất trong năm qua. Tổng giá trị thương hiệu đạt 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm trước và đứng vị trí 33 trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Xem thêm: odl.250899-man-teiv-eht-iv-hnid-gnahk-aig-couq-ueih-gnouht/et-hnik/nv.gnodoal