Trở về từ Liên hoan phim Tokyo 2023 với vai trò thành viên ban giám khảo, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tiếp tục làm giám khảo Dự án phim ngắn CJ. Đây là chương trình dành cho các nhà làm phim trẻ mà chị đã gắn bó nhiều năm.
Nhà sản xuất chia sẻ với ban tổ chức về "làn sóng mới" của điện ảnh Việt và những gì cần làm để không uổng phí một thế hệ trẻ tài năng.
Thế hệ tài năng của điện ảnh Việt dễ bị tụt lại
Làm giám khảo Liên hoan phim Tokyo 2023, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc có dịp quan sát điện ảnh thế giới để nhìn nhận về thế hệ trẻ của điện ảnh Việt.
Sau nhiều năm làm giám khảo và cố vấn của các cuộc thi, cũng như tổ chức chương trình đào tạo Gặp gỡ mùa thu hàng năm, chị Trần Thị Bích Ngọc đứng trước câu hỏi:
"Phải chăng điện ảnh Việt đang có một "làn sóng mới"? Nếu có, chúng ta cần làm gì để nâng đỡ và đẩy mạnh làn sóng này?
Chị trả lời: "Tôi nghĩ đứng ở góc độ sáng tạo, tài năng, thì có vẻ như nước ta đang có một thế hệ các nhà làm phim trẻ được nhắc đến ngày càng nhiều hơn ở các liên hoan phim quan trọng của thế giới và khu vực.
Tôi thấy một số nhà làm phim trẻ rất mạnh mẽ, xông xáo và chủ động.
Nhưng tài năng thôi chưa đủ, vì điện ảnh cần tài chính. Để hiện thực hóa các dự án này tôi nghĩ chúng ta vẫn đang thiếu nhiều nhà sản xuất, thiếu thể chế hỗ trợ tài chính, ví dụ như quỹ hỗ trợ điện ảnh trong nước".
Trong khi đó, cần nhìn nhận thẳng thắn là điện ảnh các nước lân cận đang có điều kiện phát triển tốt hơn so với Việt Nam.
"Điều này đặc biệt nguy hiểm khi ở các nước láng giềng đang vận động và thay đổi theo dòng chảy này rất nhanh. Các chính phủ liên tục tạo ra quỹ hỗ trợ điện ảnh để giúp các nhà làm phim.
Nên nếu chúng ta không làm gì sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau và uổng phí một thế hệ tài năng" - nhà sản xuất Tro tàn rực rỡ nói.
Những chương trình đào tạo, cuộc thi điện ảnh được tổ chức bền bỉ hàng năm là rất cần thiết để tìm nhân tài. Bên cạnh đó, những mô hình này cũng tạo ra một môi trường điện ảnh lành mạnh cho các nhà làm phim trẻ phát triển.
Đạo diễn nước ngoài cũng dạy học, làm quảng cáo để nuôi mộng làm phim
Gần đây, tại các liên hoan phim hàng đầu thế giới, ngày càng nhiều tác phẩm Việt Nam được công chiếu và vinh danh.
Tiêu biểu nhất là Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân, đoạt giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023. Anh cũng từng vào top 5 Dự án phim ngắn CJ với phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng - nền móng của Bên trong vỏ kén vàng.
Sau giải ở Cannes, Bên trong vỏ kén vàng tiếp tục dự nhiều liên hoan phim quốc tế và đoạt giải.
Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, những tín hiệu lạc quan về giải thưởng và sự công nhận của quốc tế cho thấy có một thế hệ tài năng của điện ảnh Việt đang vươn mình ra "biển lớn".
Qua trải nghiệm tại Liên hoan phim Tokyo, chị nhận thấy các đạo diễn trẻ ở nước ngoài cũng gặp những khó khăn giống với các đạo diễn trẻ Việt Nam.
Họ đều phải dạy học, làm truyền hình, quảng cáo để kiếm sống trong lúc chờ kêu gọi kinh phí làm phim điện ảnh.
Chị nhận xét: "Vậy là những khó khăn của chúng ta cũng rất "bình thường", không nằm ngoài vòng xoay của thế giới, cùng khổ như nhau khi bước chân vào con đường làm phim, đặc biệt là những phim đầu tay.
Có điều khi ngồi xem phim thì những yếu tố này không được tính đến, nó chỉ là câu chuyện bên lề thôi, điều quan trọng là bộ phim thế nào".
Dòng phim nghệ thuật luôn đòi hỏi sự mới mẻ, tìm tòi dù ở những thể loại, mô típ cũ. Điều này thôi thúc các nhà làm phim phải luôn sáng tạo.
Tại Dự án phim ngắn CJ năm nay, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhận thấy các nhà làm phim trẻ đã mang đến những chủ đề của thế hệ mình.
Đó là các vấn đề trong gia đình, mâu thuẫn thế hệ, sự cô đơn lạc lõng của con người trong xã hội hiện đại.
Điện ảnh Việt đang nhận được sự ủng hộ của khán giả trong nước, là thời điểm tốt để các nhà làm phim chung tay đưa ngành phim đi lên.