Giá xe ở Sri Lanka tăng chóng mặt, còn khó hơn cả mua nhà - Ảnh: Kia Sri Lanka
Xe cũ đắt như đất vàng
Sri Lanka, quốc đảo 22 triệu dân, đang trên đà lạm phát tăng cao, nguy cơ phá sản hiện hữu hơn bao giờ hết. Chính phủ đã cấm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm, trong đó có ôtô, để tập trung mua thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Lệnh cấm kéo dài hai năm này đã khiến ôtô mới sản xuất không được phép xuất xưởng, buộc người dân phải mua xe còn tồn đọng ở các đại lý và xe cũ với mức giá cao nhất thế giới.
AFP dẫn lời của Anthony Fernando, một người dân địa phương, cho biết ông đã thay con gái đi hết đại lý này đến đại lý khác suốt gần một năm qua. Người đàn ông này cho hay: Giá xe đã vượt ra ngoài khả năng của một người bình thường.
Một chiếc Toyota Land Cruiser 5 năm tuổi được chào bán trực tuyến với giá 62,5 triệu rupee (312.500 USD) - gấp ba lần giá trước khi có lệnh cấm, đủ để mua một ngôi nhà mặt đất trong khu trung lưu hoặc một căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố.
Một chiếc Fiat 5 chỗ có tuổi đời hàng chục năm với động cơ hỏng hóc được niêm yết ở mức 8.250 USD - cao hơn gấp đôi thu nhập trung bình của những dân Sri Lanka.
Lệnh cấm nhập khẩu cũng khiến thiếu hụt phụ tùng ôtô, đồng nghĩa với xe hỏng sẽ gần như không đi lại được nữa. Các tiệm sửa xe nói với AFP rằng lượng người sửa xe rất đông do họ không có khả năng mua xe mới, nhưng phụ tùng rất khan hiếm.
Vì sao người ta vẫn đổ xô mua xe?
Sarath Yapa Bandara, chủ một trong những đại lý lớn nhất thủ đô, nói: “Xe và nhà là biểu tượng của sự thành công. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người sẵn sàng mua ngay cả khi giá cao chót vót”.
Giá cao nhưng người dân Sri Lanka không thể không "cắn răng" mua xe - Ảnh: Hyundai Sri Lanka
Chưa kể, hệ thống giao thông công cộng của Sri Lanka vô cùng tồi tệ. Xe buýt, tàu hỏa đã xiêu vẹo nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Số lượng taxi cũng giảm mạnh, khi các tài xế bán xe để kiếm tiền. Những tài xế còn hoạt động tính cước taxi gấp đôi, gấp ba mức cũ. Udaya Hegoda Arachchi, một người có nhu cầu mua xe khác nói với AFP, cho hay: “Chúng tôi phải có xe riêng. Với tình hình này, không thể chờ mong giá giảm được”.
Vì đâu Sri Lanka lại rơi vào thảm họa này?
COVID-19 đã khiến Sri Lanka rơi vào thế khó, khi hai nguồn thu nhập chính của quốc đảo là du lịch và kiều hối bị đình trệ do dịch bệnh.
Điều đó khiến chính phủ vào tháng 3-2020 ban hành lệnh cấm nhập khẩu trên diện rộng, bao gồm cả ôtô mới, để ngăn ngoại tệ rời khỏi đất nước.
Kinh tế Sri Lanka trở nên tiêu điều khi không có du lịch và ngoại hối - Ảnh: Asvocata Institute
Nhưng chính sách này đã không thể ngăn chặn dòng chảy của ngoại tệ, lại còn khiến đất nước lâm vào khủng hoảng tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ thực phẩm đã đấu giá gạo, các nhà hàng đóng cửa vì họ không thể mua được khí đốt nấu ăn, các công ty điện lực không đủ tiền mua dầu đã gây ra tình trạng mất điện hàng loạt. Nông dân đã hết phân bón.
Đèo bòng nợ nần
Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã cảnh báo Sri Lanka có thể sớm vỡ nợ, mặc dù chính phủ cho biết sẽ sớm đáp ứng được các cam kết. Họ đang cố gắng đàm phán lại các khoản nợ với Trung Quốc.
Nhà phân tích tài chính Murtaza Jafferjee cho biết lạm phát cao cho thấy chính phủ Sri Lanka đã in tiền quá mức, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng trung ương thiếu tiền, đẩy đất nước này vào tình cảnh vô cùng tồi tệ: Quá nhiều tiền (kém giá trị) nhưng lại quá ít hàng hóa.
Giám đốc công ty môi giới chứng khoán hàng đầu Sri Lanka JB Securities cho biết: “Một xã hội không đủ xe thì kinh tế sẽ bị hạn chế. Chúng tôi sắp sụp đổ, không nhiều người lường hết được hậu quả của thảm trạng này”.
TTO - Nước này đang đối mặt với các vấn đề từ lạm phát tăng kỷ lục, giá thực phẩm leo thang và thậm chí hết cả hòm. Hơn nửa triệu người Sri Lanka rơi vào đói nghèo vì đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.664356172102202-gnav-tad-uhk-o-ahn-ac-noh-tad-noc-uc-ex-aig-aknal-irs-o/nv.ertiout