Tiến sĩ người Ý Dominic Standish cho biết một số quốc gia đang xuất hiện tình trạng một số người đang cố tình tự làm mình nhiễm COVID-19, đặc biệt ở những nơi có quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt đặt ra giới hạn đối với những người chưa được tiêm vaccine.
Theo TS Standish, xu hướng này đang lan rộng đặc biệt tại Ý, khi ngày càng có nhiều người đang tự lây nhiễm COVID-19 để có thể vượt qua những hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng, đài RT đưa tin.
Những “bữa tiệc” COVID-19 ở Ý
Vào tháng 11-2021, ở miền bắc nước ý rộ lên tin tức về những "bữa tiệc" COVID-19 dành cho người muốn nhiễm bệnh. Những bữa tiệc này thu hút rất nhiều sự chú ý trong các nhóm mạng xã hội Telegram và sau đó đã lan rộng sang Áo và Đức.
Tuy nhiên, những bữa tiệc như vậy đã dẫn đến một số trường hợp vô cùng đau thương, một trong số đó là cái chết thương tâm của một người đàn ông 55 tuổi ở Áo, sau khi ông bị nhiễm COVID-19 tại một bữa tiệc trên.
Xu hướng tự nhiễm COVID-19 đã trở nên phổ biến hơn ở Ý, khi những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đang hạn chế những ai chưa tiêm vaccine đi làm, tham gia các hoạt động giáo dục và đời sống xã hội.
Tiến sĩ người Ý Dominic Standish. Ảnh: RT
Nhân viên y tế, giáo dục tìm cách tự lây nhiễm để được đi làm
Kể từ mùa hè 2021, để có thể đi làm trở lại đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Ý, người dân cần phải có thẻ xanh, có được sau khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ hoặc khỏi bệnh gần đây.
“Chúng tôi đã nhận được nhiều thông báo về những bữa ăn tối cùng người nhiễm bệnh do các y tá chưa tiêm phòng tổ chức. Các y tá chưa tiêm vaccine và các nhân viên y tế khác có kết quả nhiễm COVID-19 sẽ tìm mọi cách để tránh bị đình chỉ công việc và trả lương” - bà Samanta Grossi, chủ tịch hiệp hội Y tá ở TP Treviso cho biết.
Tương tự, xu hướng này cũng diễn ra ở ngành giáo dục Ý. Kể từ tháng 9-2021, những người làm trong lĩnh vực giáo dục muốn đi làm được yêu cầu phải chứng minh rằng họ đã được tiêm vaccine hoặc mới khỏi bệnh. Một giáo viên mầm non chưa tiêm phòng đã bị đình chỉ công tác mới đây khi quyết định tự lây nhiễm virus cho mình.
Lực lượng Cảnh sát và hiệu trưởng nhiều trường học cho biết họ đã ghi nhận những trường hợp các giáo viên nhiễm bệnh sau khi ăn tối cùng người nhiễm COVID-19, song vẫn tiếp tục giảng dạy trong trường. Một số giáo viên còn được cho là đã sẵn sàng trả 200-300 EUR (khoảng 230-345 USD) để làm như vậy.
Phản đối tiêm vaccine, tự nhiễm bệnh để có thẻ xanh
Một người phụ nữ ở độ tuổi ngoài năm mươi, làm trong lĩnh vực du lịch, chưa được tiêm phòng và hiện đang thất nghiệp đã từ chối tiêm vaccine vì bà tin rằng chính phủ đang sử dụng thẻ xanh để theo dõi và kiểm soát mọi người. Gần đây, bà ấy đã cố tình tự nhiễm COVID-19.
Một giám đốc siêu thị chưa được tiêm phòng cũng ở độ tuổi ngoài năm mươi, người đang lo lắng về sự an toàn của vaccine cũng đã quyết định tự nhiễm COVID-19 để có thể có thẻ xanh và tiếp tục làm việc.
Tuần trước, một bà mẹ sống gần Venice phản đối việc tiêm vaccine đã mời 20 người đến nhà mình để lây nhiễm COVID-19 sau khi các con của bà nhiễm bệnh.
“Đến nhà tôi, các con tôi bị nhiễm COVID-19. Theo cách này, bạn cũng có thể bị nhiễm theo nhận được thẻ xanh mà không cần phải tiêm phòng” - người mẹ đăng lời mời lên trang mạng của mình.
Cần loại bỏ các biện pháp phòng chống dịch quá nghiêm khắc
Theo một nghị định của chính phủ Ý được thông qua vào tháng 1, kể từ ngày 1-2 năm nay, mọi công dân Ý từ 50 tuổi trở lên, gồm cả những người thất nghiệp, không có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc từng nhiễm COVID-19 gần đây sẽ phải đối mặt với khoản phạt 100 EUR (khoảng 115 USD).
Ngoài ra, từ ngày 15-2, tất cả người đi làm ở Ý trên năm mươi tuổi bắt buộc phải có thẻ xanh hoặc có nguy cơ bị đình chỉ công việc mà không được trả lương và bị phạt từ 600-1500 EUR (khoảng 686-1.717 USD).
Nguy cơ từ việc tự lây nhiễm COVID-19 đối với những người trên 50 tuổi cao hơn nhiều so với trẻ em, như cái chết của ca sĩ người Czech Hana Horka. Horka chưa được tiêm phòng và qua đời vào tháng trước ở tuổi 57 sau khi quyết định cố tình tự nhiễm bệnh khi ở với người chồng và con trai bị nhiễm trước đó, cả hai đã được tiêm vaccine.
Những biện pháp hạn chế để phòng chống dịch ở nhiều nước đối với người chưa được tiêm chủng đang khiến họ phải chịu áp lực đáng kể. Ở Ý, không có thẻ xanh có nghĩa là người dân không thể đi vào quán bar, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng. Họ cũng không được tham gia các buổi hòa nhạc, trường học, trường đại học, địa điểm thể thao và không thể đi trên các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, tàu siêu tốc, phà hoặc xe buýt.
Các quy tắc như vậy đối với những người chưa được tiêm chủng nên được hủy bỏ, mặc dù việc yêu cầu người dân tiêm vaccine đầy đủ là biện pháp bảo vệ chính đáng. Trong khi nhiều chính phủ đang gỡ bỏ các quy định hạn chế những người chưa được tiêm chủng, điều này cần phải được đẩy nhanh.
Theo TS Standish, chúng ta nên khuyến khích mọi người tiêm chủng, nhưng không phải bằng cách biến những người chưa được tiêm vaccine trở thành “công dân hạng hai”.