Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng kỷ lục nhôm nguyên sinh và hợp kim nhôm trong năm 2021, là năm thứ 2 liên tiếp nhập khẩu cao kỷ lục. Nhập khẩu nickel tinh luyện cũng tăng gấp đôi so với năm liền trước và cho đến hiện tại vẫn đang đẩy mạnh nhập khẩu nickel thô. Nhập khẩu đồng tinh chế năm 2021 giảm so với mức cao kỷ lục của năm 2020 nhưng vẫn tăng mạnh, nhất là đồng phế liệu, sau khi nới lỏng ngưỡng quy định về độ tinh khiết.
Không chỉ nhập khẩu mạnh, năm 2021 Trung Quốc cũng xuất khẩu mạnh mẽ kim loại ra thị trường thế giới. Xuất khẩu cả chì và thiếc tinh luyện đều tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do nguồn cung ở các thị trường phương Tây thiếu hụt tạo ra sự chênh lệch giá lớn giữa hai sàn Thượng Hải và London. Sự khác biệt như vậy trong thương mại kim loại tinh luyện của Trung Quốc là điều rất bất thường, phản ánh sự kết hợp của những sự bất thường khác, như nhu cầu hồi phục sau đại dịch và nguồn cung hạn chế.
NHÔM - NHẬP KHẨU ĐẠT KỶ LỤC CAO MỚI
Nhập khẩu ròng nhôm nguyên sinh và hợp kim nhôm của Trung Quốc.
Nhập khẩu ròng nhôm nguyên sinh chưa gia công vào Trung Quốc năm 2021 đạt 1,57 triệu tấn, trong khi nhập khẩu hợp kim chưa gia công đạt 1 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2020 và vượt xa mức kỷ lục cũ là 1,43 triệu tấn của năm 2009.
Tuy nhiên, nhập khẩu năm 2009 cao là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và khi đó kỷ lục cao chỉ xảy ra một lần. Còn lần này, 2 năm nhập khẩu cao liên tiếp cho thấy áp lực cơ cấu nguồn cung trên thị trường nội địa do việc cắt giảm sản xuất liên quan đến thiếu điện.
Nhập khẩu từ Ấn Độ năm 2021 chiếm 54% tổng lượng nhôm nguyên sinh nhập khẩu, tương đương 855.000 tấn. Malaysia là nhà cung cấp hợp kim nhôm lớn nhất, với 321.000 tấn. Nước này đã trở thành trung tâm tái chế và chế biến lớn, và sự thay đổi dòng chảy phế liệu nhôm trên toàn cầu đã tạo ra sự thay đổi trong nhập khẩu hợp kim nhôm của Trung Quốc.
Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu nhôm nguyên sinh nhưng cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm nhôm bán thành phẩm. Xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng 18% trong năm ngoái, trong đó riêng tháng 12 đạt 553.000 tấn, mức cao kỷ lục chưa từng có.
Tình trạng cắt điện trên diện rộng ở các nhà máy luyện kim phương Tây đã khiến nguồn cung hàng thực bị thắt chặt chính là nguyên nhân dẫn tới sự bất thường trong thương mại nhôm.
ĐỒNG - NHẬP KHẨU GIẢM MẠNH
Nhập khẩu ròng đồng tinh luyện của Trung Quốc năm 2021 giảm 25%.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu đã thường xuyên xảy ra trong thế kỷ này, và năm 2021 cũng không phải là ngoại lệ.
Nhập khẩu đồng tinh luyện đã giảm 25% xuống còn 3,3 triệu tấn so với năm 2020, nhưng do năm 2020 nhập khẩu đã cao kỷ lục lịch sử. Nhập khẩu năm 2021 nếu so với 2019 vẫn tăng nhẹ.
Nhập khẩu đồng tinh luyện giảm do nhập khẩu đồng phế liệu tăng. Theo đó, nhập khẩu đồng tinh luyện giảm từ hơn 3 triệu tấn năm 2017 xuống chỉ còn 944.000 tấn năm 2020 do Trung Quốc thắt chặt các quy định về độ tinh khiết. Sự thay đổi chính sách vào phút chót đã mở lại cánh cửa cho vật liệu tái chế có chất lượng cao hơn vật liệu thô, và nhập khẩu đồng phế liệu đã tăng 80% lên 1,7 triệu tấn vào năm 2021.
Cũng giống như năm 2020, khi sự thiếu hụt đồng thứ cấp làm gia tăng nhập khẩu đồng tinh luyện, năm 2021 nhập khẩu đồng phế liệu tăng đã làm giảm nhu cầu đồng tinh luyện.
NICKEL – NHẬP KHẨU CÁC LOẠI TỪ THÔ ĐẾN TINH
Nhập khẩu nickel của Trung Quốc năm 2021 và thay đổi so với 2020.
Nhập khẩu nickel tinh chế của Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 261.000 tấn với sự tăng tốc rõ rệt trong nửa cuối năm ngoái.
Chuỗi cung ứng nickel – loại sản xuất pin – bị thắt chặt đã thúc đẩy việc gia tăng nhập khẩu nickel loại I, trong đó phần lớn được đưa vào các kho dự trữ đã gần cạn kiệt.
Nhu cầu tăng mạnh từ lĩnh vực xe điện cũng được thể hiện rõ ràng qua việc nhập khẩu nickel sunphat, một tiền chất hóa học để sản xuất pin, đang tăng nhanh. Nhập khẩu nickel dạng này đã tăng mạnh từ 5.600 tấn năm 2020 lên 44.700 năm 2021.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu quặng nickel, matte nickel, sản phẩm trung gian và ferronickel, cho thấy nhu cầu khổng lồ đối với nickel ở tất cả các công đoạn của chuỗi chế biến.
KẼM – NHẬP KHẨU GIẢM
Nhập khẩu ròng kẽm tinh chế của Trung Quốc.
Nhập khẩu ròng kẽm tinh chế của Trung Quốc năm 2021 đã giảm 16% xuống còn 429.000 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Xu hướng giảm trong nhiều năm này đã phản ánh việc tăng công suất của các nhà máy luyện kẽm trong nước - sản lượng nội địa đạt mức cao kỷ lục mới là 6,56 triệu tấn vào năm 2021.
Trong năm 2021, nhập khẩu đã tăng tốc ở quý 4. Song, nhập khẩu trong tháng 12 ở mức 10,334, thấp nhất kể từ 2008, phản ánh động lực của thị trường hàng thực đang thay đổi. Chênh lệch giá kẽm giữa sàn London và sàn Thượng Hải có lợi cho xuất khẩu kẽm Trung Quốc, giữa bối cảnh các nhà máy luyện kẽm ở Châu Âu bị đóng cửa kéo dài, tạo ra khoảng trống trong chuỗi cung ứng, dẫn tới giá ở Châu Âu cao hơn nhiều so với giá ở Trung Quốc.
CHÌ - XUẤT KHẨU CAO NHẤT TỪ NĂM 2007
Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu ròng chì tinh luyện trong năm 2021.
Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 95.000 tấn chì tinh luyện, cao nhất kể từ năm 2007 – năm mà Bắc Kinh áp thuế xuất khẩu đối với chì tinh luyện. Kể từ đó, xuất khẩu chì bị hạn chế.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 2021, khi xuất hiện dòng chảy mạnh mẽ kim loại từ Trung Quốc sang phương Tây, nơi bị thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới mức cộng giá chì hàng thực vọt lên mức cao kỷ lục.
Khối lượng xuất khẩu chì tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, với xuất khẩu sang Mỹ tháng 10 và 11 đạt 37.000 tấn, sang Hà Lan tháng 11 đạt 11.000 tấn.
Hiện lượng chì lưu kho trên sàn LME tiếp tục thấp và mức cộng giá hàng thực vẫn duy trì ở mức cao, khiến dòng chảy chì từ Trung Quốc và phương Tây vẫn tiếp diễn.
THIẾC – TRUNG QUỐC ‘GIẢI CỨU’ CHO THẾ GIỚI
Xuất khẩu thiếc tinh luyện tăng trong năm 2021.
Thị trường thiếc phương Tây thậm chí còn thắt chặt hơn so với thị trường chì trong năm vừa qua, với giá hàng thực và mức cộng giá giao ngay trên sàn LME ở mức cực cao.
Trung Quốc đã trở thành người "giải cứu" cho những khách hàng quá khích ở khắp nơi trên thế giới. Xuất khẩu thiếc năm 2021 đạt 14.320 tấn, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2007, một số trong số đó thậm chí còn được chuyển sang châu Âu, điều này chứng tỏ quy mô và mức độ ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm hiện nay.
Năm 2020, Trung Quốc là nhà nhập khẩu ròng thiếc, với lượng nhập khẩu là 13.000 tấn, khiến cho việc quay ngoắt trở thành xuất khẩu ròng trong năm 2021 càng trở nên kịch tính.
Nhập khẩu thiếc vào Trung Quốc đã tăng trở lại vào quý 4/2021, cho thấy thị trường toàn cầu đang trong giai đoạn rất khó khăn. Cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới dường như đang chật vật để đảm bảo có đủ nguồn cung thiếc. Do đó, dòng chảy vào Trung Quốc hoặc ra thế giới dao động tùy vào việc ai cần nhất loại kim loại dùng để hàn ở mỗi thời điểm nhất định.
Tham khảo: Reuters
https://cafef.vn/xuat-nhap-khau-kim-loai-cua-trung-quoc-nam-2021-bung-no-mot-cach-bat-thuong-20220204103955834.chnThu Ngân
Nhịp sống kinh tế