Hằng năm, tỉnh Chumbivilcas của Peru sẽ tổ chức lễ hội đón giáng sinh và năm mới vô cùng sôi động và độc đáo có tên là Takanakuy. Takanakuy là sự kết hợp giữa hai từ "takay" (đánh nhau) và "nakuy" (chung).
Tại lễ hội Takanakuy, người dân sẽ tụ tập xung quanh đấu trường, thường là một bãi đất rộng hoặc sân vận động, để theo dõi các trận đấm đá quyết liệt.
Sau vài ngày uống rượu và nhảy múa trong các trang phục truyền thống, người dân nhiều ngôi làng của tỉnh Chumbivilcas thức dậy và chuẩn bị tham gia trận chiến, thậm chí với cả những người thân trong gia đình.
Đàn ông, phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật, tất cả chia ra thành từng cặp. Họ trao nhau những cái ôm thân thiện trước khi dốc toàn lực lao vào đánh nhau. Những trọng tài sẽ cầm roi kiểu La Mã để giữ cho trận đấu cân bằng, không để một người quá thất thế và tránh việc cả đám đông xúm vào khi một người bị hạ gục.
Tất cả người ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia vào lễ hội này, từ trẻ nhỏ đến người già, phụ nữ và nam giới. Mục đích của việc đánh nhau trong lễ hội Takanakuy là để giải tỏa những bất bình, tức giận tích lũy trong năm cũ, để đón năm mới trong sự vui vẻ, hòa bình.
Thay vì nhẫn nhịn trong thời gian dài, người dân Peru lại khuyến khích mỗi cá nhân bày tỏ con người thật và giải phóng sự giận dữ, một lần và mãi mãi. Ít nhất, cộng đồng dân cư ở các thị trấn của Chumbivilcas tin rằng, hoạt động này sẽ giúp họ xóa bỏ sự tiêu cực và sống hạnh phúc.
Thiếu cảnh sát
Một nguyên nhân nữa khiến chính quyền địa phương chấp nhận lễ hội là lực lượng hành pháp tại các vùng hẻo lánh nằm trên dãy Andes rất thiếu thốn. Có những thị trấn chỉ với 3 cảnh sát, không đủ để quản lý hết các cuộc xung đột.
Trong khi đó cư dân tại đây lớn lên trong môi trường khắc nghiệt với các dốc đá cheo leo, gió bão, thức ăn khan hiếm. Chính điều đó đã tạo nên những con người kiên cường, vươn lên sống mạnh mẽ giữa điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Tất nhiên đi kèm với đó là những người dân cứng đầu, nóng tính.
Bởi vậy, những hiềm khích trong cuộc sống của người dân địa phương sẽ được để dành đến Lễ hội Takanakuy, nơi người ta đánh nhau thoải mái trong vòng kiểm soát.
Các loại hiềm khích nảy sinh từ việc tranh chấp tài sản, cướp người yêu, trộm cừu, say rượu gây gổ đều sẽ được giải quyết trong phạm vi các quy định của lễ hội.
Nhưng không phải tất cả các cuộc chiến đều có lý do nghiêm trọng, nhiều người chỉ tham gia theo tinh thần thể thao hoặc vì say rượu đùa vui. Những người này thường không bị ràng buộc bởi kết quả của trận đấu và hài lòng cả khi thắng hay thua.
Mặc dù có tính chất bạo lực, lễ hội vẫn không kém phần vui tươi, với âm nhạc, các điệu nhảy truyền thống sôi động và đồ uống có cồn.
Bản thân các trận đánh cũng tương đối văn minh, mang nhiều nét tương đồng với võ thuật hơn là ẩu đả vô tổ chức.
Các trận đấu đều có trọng tài và có quy định riêng. Chẳng hạn như không được cắn, không được đánh vào vị trí hiểm hay không được tiếp tục tấn công nếu đối phương đã ngã xuống. Mỗi cuộc chiến thường kéo dài 1 – 2 phút và kết thúc bằng một cái bắt tay hoặc ôm giữa các đối thủ. Dĩ nhiên, chuyện bị thương nhẹ, bầm bập, thâm tím là hoàn toàn dễ xảy ra.
Trên thực tế phong tục đánh nhau đón năm mới này không chỉ có ở tỉnh Chumbivilcas, mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác của Peru với quy mô nhỏ hơn. Một số gia đình có thể rủ hàng xóm làm một trận ẩu đả nhỏ, để đón năm mới trong sự vui vẻ, thoải mái.
http://tintuc.vdong.vn/02/1216363.htmBăng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị