Hãng Reuters đưa tin Mỹ và Đức ngày 7-2 đã tìm cách lập một mặt trận thống nhất nhằm đối phó bất kỳ hành động tấn công quân sự tiềm tàng nào của Nga đối với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7-2 đã có cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang xung quanh việc Moscow tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine.
Mỹ, Đức tìm cách lập mặt trận thống nhất đối phó Nga về vấn đề Ukraine. Ảnh: REUTERS
Ông Biden hôm 7-2 tuyên bố hai bên đang làm việc "chặt chẽ" trong việc đối phó Nga, Reuters đưa tin.
“Rõ ràng Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn hành động của Nga ở châu Âu và giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra, cũng như thúc đẩy sự ổn định ở Tây Balkan” - ông Biden nói khi hai nhà lãnh đạo trao đổi với phía báo chí.
Ông Scholz – vốn thời gian qua bị chỉ trích trong và ngoài nước vì chưa thể hiện đủ khả năng lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng - nói với các phóng viên ở Washington rằng Nga sẽ phải "trả một cái giá rất đắt nếu xâm lược Ukraine".
Berlin hôm 7-2 cho biết họ đang triển khai 350 binh sĩ đến Lithuania, mô tả động thái này là "đóng góp của Đức vào sườn phía đông của NATO và gửi một tín hiệu rõ ràng về quyết tâm cho các đối tác liên minh của chúng tôi".
Trao đổi với các phóng viên trước cuộc gặp với ông Biden, ông Scholz cho biết phương Tây sẽ "hành động nhanh chóng, dứt khoát và đoàn kết nếu Nga xâm lược Ukraine".
Ông Scholz cho biết Đức đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh để hoàn thiện các kế hoạch trừng phạt của họ. Vị thủ tướng cũng cho biết các nỗ lực giải quyết tranh chấp về mặt ngoại giao - gồm cả thông qua các cuộc đàm phán định dạng Normandy với Pháp, Ukraine và Nga - cũng đang bắt đầu gây được tiếng vang.
"Đó là về việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu" - ông Scholz nói với hãng tin ARD trước khi khởi hành đến Washington.
Theo Reuters, mối quan hệ giữa ông Biden và ông Scholz có thể trở nên then chốt vào thời điểm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn chưa tuyên bố liệu ông có tham gia một cuộc bầu cử sau ba tháng hay không, và trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chìm trong cuộc khủng hoảng trong nước.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Đức chia sẻ mối quan ngại của chúng tôi về sự xâm lược của Nga, chia sẻ sự ủng hộ của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” - một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.
"Hai nước nhất trí tuyệt đối về sự cần thiết của các biện pháp bổ sung như trừng phạt và triển khai thêm binh sĩ tới sườn phía đông của NATO trong trường hợp có một cuộc xâm lược" - quan chức này nói thêm.
Chi tiết về gói trừng phạt vẫn đang được hoàn thiện, nhưng theo đó sẽ cấm Nga tham gia hệ thống giao dịch tài chính SWIFT và việc trừng phạt này vẫn là một lựa chọn, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết.
Đức là khách hàng lớn về khí đốt tự nhiên của Nga và đã nhập khẩu khí đốt này qua đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic và đường ống từ thời Liên Xô chạy qua Ukraine.
Nord Stream 2, một đường ống thứ hai dưới Baltic có thể tăng gấp đôi khối lượng khí đốt đi qua Ukraine, đã được hoàn thành và đang chờ các cơ quan quản lý của Đức cấp phép.
Đức đã trì hoãn việc phê duyệt đường ống Nord Stream 2 cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2022, đồng thời đã từ chối hủy bỏ dự án.
Việc Đức không thẳng thắn về kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu đã khiến các nhà lập pháp và quan chức Mỹ lo ngại lâu nay. Washington đã nói rõ rằng họ hy vọng Đức sẽ dừng dự án thương mại nếu Nga có động thái xâm lược, song các quan chức Mỹ chưa cung cấp chi tiết về cách thức thực hiện điều đó.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ sẽ làm việc với Đức "để đảm bảo rằng Nord Stream 2 không được xúc tiến nếu Nga xâm lược".