Binh sĩ Mỹ rời khỏi máy bay Boeing C-17A Globemaster III của không quân Mỹ khi họ đến sân bay Rzeszow-Jasionka ở Ba Lan ngày 7-2 - Ảnh: REUTERS
Các bên đều dán nhãn cho nhau như là những nhân tố gây căng thẳng và chính họ mới là bên đứng về hòa bình. Dù vậy, rất ít khả năng xảy ra chiến tranh ở Ukraine.
Chiến thuật bên "miệng hố chiến tranh"
Căng thẳng ở Ukraine thể hiện một điều cốt lõi trong quan hệ quốc tế rằng chính trị của sức mạnh vẫn không hề mất đi dù cho thế giới đang ngày càng phẳng hơn do hệ quả của toàn cầu hóa.
Việc Nga điều hơn 100.000 quân sát biên giới Ukraine hay việc khối NATO cấp tập viện trợ vũ khí cho Ukraine, cũng như triển khai quân tới các quốc gia thuộc khối NATO sát với Nga chỉ là các biểu hiện của chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" của các cường quốc. Các bên đều phải "lên gân" để ép bên kia nhượng bộ như một cách giải quyết căng thẳng hay khủng hoảng.
Nếu bên nào tỏ ra có dấu hiệu nhượng bộ cũng đồng nghĩa sẽ gửi một thông điệp sai tới phía bên kia rằng họ mềm yếu. Điều này sẽ dễ khuyến khích bên kia thực hiện cuộc xung đột vũ trang.
Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đang muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng "tất tay" trong cuộc căng thẳng này nếu cần thiết.
Sức mạnh của các nước lớn cất tiếng nói cũng chứng minh các biện pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine không hiệu quả trong gần ba thập niên qua. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 quy định Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng chủ quyền, biên giới hiện có và độc lập của Ukraine theo Đạo luật cuối cùng của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như không sử dụng bất kỳ vũ khí nào chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trừ khi vì mục đích tự vệ và trong các trường hợp khác theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Nhóm bộ tứ Normandy bao gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine được thành lập từ năm 2014 nhằm thảo luận phương cách giải quyết cuộc xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine sau nhiều năm đàm phán cũng không đi đến đâu. Tiếng bánh xích xe tăng vẫn lấn át các thỏa thuận ngoại giao.
Các nước lớn như Mỹ, Nga cuối cùng cũng sẽ phải dàn xếp khi các bên đã đẩy mức căng thẳng lên cao. Họ đều hiểu rằng tất cả các bên đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, cho nên hậu quả của một cuộc xung đột nếu xảy ra là rất lớn.
Bây giờ vấn đề là bên nào sẽ "chớp mắt" trước. Một bên sẽ phải nhượng bộ, "xuống thang" căng thẳng khi bên đó không thể duy trì chi phí cho căng thẳng quá lâu. Tuy nhiên, các nước lớn như Mỹ, Nga đều không muốn mất "thể diện" bởi vì điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các tính toán khác trong tương lai.
Do đó một thỏa thuận hòa hoãn, không ràng buộc, mang tính tạm thời cuối cùng sẽ được các bên trong bàn cờ phải chấp nhận.
Thế lưỡng nan an ninh
Nếu xét về tương quan lực lượng, nước Nga sẽ không dại dột dấn thân vào một cuộc phiêu lưu quân sự bằng một cuộc xung đột với Ukraine. Chi phí cho nước Nga trong vấn đề Ukraine vượt qua lợi ích mà nước này có thể có.
Cũng cần phải lưu ý quan điểm của người Nga trong căng thẳng ở Ukraine hiện nay. Matxcơva luôn coi Kiev nằm trong "phạm vi ảnh hưởng" của mình mặc dù Ukraine độc lập khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991. Nước Nga không muốn quân đội và vũ khí NATO được triển khai ngay sát biên giới. Đây là một lằn ranh đỏ mà Nga không muốn phương Tây vượt qua.
Bên cạnh đó, sự phô trương thanh thế vũ lực của Tổng thống Putin có thể được coi là một động thái để bảo vệ nhóm thiểu số người Nga ở Ukraine trước một chính phủ có quan điểm chống Nga ở Ukraine hiện nay.
Tổng thống Putin luôn cho rằng chính quyền Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk I và II ký vào năm 2014, 2015 nhằm chấm dứt xung đột giữa chính quyền Kiev và các nhóm ly khai gốc Nga ở phía Đông Ukraine.
Quan điểm của phương Tây thì cho rằng nước Nga luôn là một nhân tố bất ổn đối với sự ổn định ở khu vực châu Âu. Chính sách an ninh tập thể với việc mở rộng NATO về phía Đông sẽ giúp cho các quốc gia nhỏ sát với Nga cảm thấy an toàn hơn. Mỹ và các quốc gia châu Âu đồng minh cho rằng họ có quyền làm điều đó khi nước Nga không còn là một thế lực quan trọng như trước đây.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thế lưỡng nan an ninh khi các quốc gia nhỏ nghĩ rằng họ có thể an ninh hơn khi gia nhập NATO, nhưng thực chất ngược lại khi Nga tạo cho các nước nhỏ sát Nga thấy rằng họ có thể mất an ninh hơn nếu hướng về phương Tây.
Tóm lại, số phận an ninh của Ukraine sẽ không hoàn toàn do người Ukraine tự quyết, dù cho họ có quyết định đứng về phía nào. Chính trị của các nước lớn sẽ tiếp tục định hình khu vực châu Âu và thế giới trong những năm tới.
Nhân tố Trung Quốc xuất hiện
Nhìn rộng ra, bàn cờ Ukraine hiện nay không chỉ có bốn người chơi chính là Nga, Ukraine, châu Âu và Mỹ, mà còn có cả Trung Quốc.
Việc Mỹ và phương Tây cùng coi Nga và Trung Quốc là các chủ thể chính trị gây mất ổn định cho trật tự thế giới khiến cho hai quốc gia này ngày càng xích lại gần nhau hơn theo đúng câu châm ngôn trong chính trị thực dụng "kẻ thù của kẻ thù mình chính là bạn của mình".
Hôm 4-2, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tuyên bố chung công bố phản đối sự mở rộng của NATO, cũng như kêu gọi khối này từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh.
Mặc dù sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga mang tính chính trị nhiều hơn là ủng hộ mang tính vật chất, nhưng sự song trùng về lợi ích Nga - Trung trong việc đối đầu với thế giới phương Tây đứng đầu là Mỹ báo hiệu một trật tự thế giới mới đang hình thành.
TTO - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ triển khai thêm quân đến châu Âu và nêu những cáo buộc Nga sẽ xâm lược Ukraine trong vài tuần nữa cùng hậu quả của nó.
Xem thêm: mth.68263310080202202-couq-gnouc-cac-auc-eniarku-oc-nab/nv.ertiout