Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:
Lạc quan trong năm mới
Ngay mùng 7 tháng giêng, ngày đi làm đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022, Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu 12 container trái cây (thanh long, xoài, vú sữa, sầu riêng) và 5 container gạo ST25 sang Mỹ và Úc, khởi đầu cho năm mới với nhiều kỳ vọng. Trước đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu mùa Tết của tập đoàn cũng rất nhộn nhịp nhờ nhu cầu của các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng mạnh. Tất cả thị trường (ngoài Trung Quốc) đều gia tăng nhập khẩu do trái cây nhiệt đới Việt Nam với nhiều khác biệt nhưng chỉ chiếm khoảng 1% thương mại rau quả toàn cầu nên dư địa tăng trưởng còn lớn.
Ngoài ra, những trở ngại với thị trường Trung Quốc vừa qua đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của người nông dân. Nhiều người muốn tham gia vào liên kết làm vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu theo kiểu "ăn chắc mặc bền" hơn là bán tự do cho thương lái theo kiểu "được ăn cả ngã về không". Tuy nhiên, mục tiêu của ngành rau quả năm nay là lấy lại đà tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc sau mấy năm sụt giảm bởi đây là thị trường lớn, không thể bỏ qua. Khi nông dân sản xuất bài bản thì có thể tập trung cho xuất khẩu chính ngạch, nghiên cứu thị trường nội địa Trung Quốc để không làm mất thị phần vào các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia...
Ngành rau quả lạc quan về triển vọng xuất khẩu trong năm 2022. Trong ảnh: Những kiện hàng chuối của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được đóng gói để chuẩn bị xuất khẩuẢnh: AN NAVề mục tiêu xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam rất cần sự chung tay của các DN cùng nhau giữ chất lượng, uy tín với bạn hàng quốc tế thay vì mạnh ai nấy bán và cạnh tranh giá rẻ.
Ngoài mảng xuất khẩu nông sản, mảng F&B (dịch vụ ăn uống) và du lịch của chúng tôi cũng rất lạc quan khi các quán và điểm du lịch đều đông khách vào dịp Tết. Điều này cho thấy dịch bệnh đã không ảnh hưởng quá mạnh đến túi tiền người dân, họ không thắt chặt hầu bao nhiều như dự báo. Trước những tín hiệu lạc quan đầu năm mới, Tập đoàn Vina T&T năm nay không đưa ra mục tiêu tăng doanh thu mà chỉ chú trọng vào lợi nhuận với mục tiêu tăng 20% so với năm 2021.
Ông Lại Minh Duy
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist:
Du lịch chờ đón khách quốc tế
Trong suốt 2 năm qua, phần lớn các DN du lịch phải "tự bơi", liệu cơm gắp mắm và chưa nhận được nhiều hỗ trợ về chính sách của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các gói hỗ trợ.
Năm nay, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ có sự quyết liệt về thời điểm chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế, đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài để DN yên tâm, tìm cơ hội phát triển trở lại. Bên cạnh đó cần sự định hướng từ cơ quan quản lý để DN cân nhắc cho hoạt động kinh doanh, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nếu mở cửa du lịch sẽ kích thích các ngành khác cùng đi lên…
Du lịch còn là câu chuyện liên quan đến ngoại giao, giao thương, thông điệp của Việt Nam về sự an toàn và hồi phục sau dịch, do đó chúng tôi kiến nghị trước mắt có thể mở cửa với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và dần mở xa hơn.
Về chiến lược trọng tâm của TST trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển tốt mảng du lịch trong nước vì đang có nhiều tín hiệu tích cực.
Với phân khúc khách quốc tế tới Việt Nam (inbound), Campuchia hay Thái Lan cũng là những thị trường tiềm năng cung cấp nguồn khách cho Việt Nam. Như trước dịch, TST đều có lượng khách từ Thái Lan đi tour khám phá Fanxipan hay vịnh Hạ Long, số lượng tầm 150-400 khách/đoàn theo dạng du lịch trải nghiệm, du lịch cho nhân viên (team building)… Hiện chúng tôi đã chuẩn bị xong dòng sản phẩm đầu tiên thí điểm cho khách vào đầu tháng 3 tới để có thể sẵn sàng đón khách ngay khi chính sách của nhà nước rõ ràng.
Xa hơn, tour outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài) đang là nhu cầu rất lớn của khách Việt Nam, khi nhiều khách hàng hiện muốn đi châu Âu, Úc, hay đi Nhật để ngắm hoa anh đào… Còn chuyến đi Thái, Malaysia, Singapore thì chỉ cần mở là có khách và chúng tôi đang chọn thời điểm phù hợp để mở lại.
Ông Trần Hữu Hậu
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam:
Ngành điều tập trung chế biến sâu
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Những chính sách thông thoáng đáp ứng nhu cầu hội nhập sẽ tạo môi trường thuận lợi và cơ hội cho các DN phát triển. Tuy nhiên, cũng đem đến nhiều thách thức nên các DN, đặc biệt là ngành điều, buộc phải tìm hướng đi mới, cách làm mới để bứt phá. Hiện tại, các DN ngành điều đang chuyển hướng mạnh sang chế biến sâu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thực tế, các sản phẩm điều chế biến sâu ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của ngành điều. Cụ thể, năm 2020 chiếm tỉ trọng khoảng 8%, năm 2021 tăng lên 15% và năm nay sẽ tăng hơn nữa. Ngoài ra, các DN cũng sẽ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường.
Đặc biệt, việc thích ứng với tình hình mới đối với ngành điều đã được chứng minh trong thời gian qua, các DN đủ năng lực hoạt động, không bị gián đoạn sản xuất, do nhiều khâu sản xuất được tự động hóa nên năng suất bảo đảm đáp ứng đầy đủ đơn hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam:
Kỳ vọng môi trường cạnh tranh công bằng
Ngành mía đường trong nhiều năm qua đã gặp rất nhiều bất lợi vì lượng đường nhập lậu quá lớn. Trước đây, cả nước có hơn 40 nhà máy đường nhưng nay chỉ còn 24 nhà máy. Gần đây có thêm đường chính ngạch được nhập từ Indonesia, Malaysia với giá rất rẻ. Điều đáng nói là những nước này dù không có trồng cây mía nào nhưng vẫn có đường xuất bán sang Việt Nam với số lượng lớn. Điều này không công bằng với các DN đường trong nước. Trong năm mới, các DN đường trong nước rất kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách để tạo môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch để ngành đường trong nước tồn tại, phát triển và vươn ra thế giới. Có nghĩa là những nước xuất khẩu đường vào Việt Nam có giá bán trong nước của họ bao nhiêu thì khi bán sang Việt Nam cũng phải đúng mức giá đó. Có như vậy DN trong nước mới mạnh dạn tăng giá thu mua mía cho nông dân, khuyến khích người trồng mía tăng diện tích, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Ông Tim Evans
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:
Các FTA sẽ đem lại "trái ngọt"
Khi đánh giá những tháng cuối năm 2021 và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022. Diễn biến này chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại "trái ngọt".
Đồng thời, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và người giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam, từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.
Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp thêm "nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo, năng lượng xanh sau khi Chính phủ Việt Nam đã đặt ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, với mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước. Đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên sẽ không hoài nghi khả năng đạt những mục tiêu đó của Chính phủ và người dân Việt Nam.
Dù vậy, một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên, kéo theo chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính gây lạm phát trong nước. Nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ.
Tôi vốn là người có xu hướng lạc quan trong mọi tình huống và với Việt Nam, tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng. Đó phần nào cũng là lý do thôi thúc tôi chuyển đến đất nước này. Năng lượng nhiệt huyết, tinh thần kiên cường cùng đam mê và khát khao của người Việt Nam để hướng tới một tương lai luôn tốt đẹp hơn ngày hôm qua.
Thái Phương ghi
Xem thêm: mth.49770400270202202-neirt-tahp-ed-ahp-tod-oat/et-hnik/nv.moc.dln