Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường An Giang, một số đơn vị kinh doanh ở huyện Thoại Sơn có tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động. Các trường hợp này đều đã báo cáo với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời và làm thủ tục xin tạm ngưng bán với Sở Công Thương.
Tại huyện Phú Tân, có 5 trường hợp ngừng hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm có đơn xin nghỉ từ ngày 5/2 đến 12/2. Nguyên nhân là do công ty An Kiên - huyện Chợ Mới giao xăng A95 giá 24.560 đồng/lít, bằng giá bán ra 24.560 đồng/lít, doanh nghiệp hòa vốn kinh doanh và lỗ chi phí hoạt động nên xin nghỉ.
Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ hiện nay chỉ bán dầu do nguồn xăng từ công ty Petrolimex An Giang không đủ giao cho doanh nghiệp. Petrolimex hẹn đến ngày 8/2 mới cấp xăng trở lại.
Một số trường hợp khác không đủ nguồn xăng dầu, hoặc không có nhân viên phục vụ nên tạm ngừng hoạt động.
Cục QLTT An Giang cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương, về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường.
Được biết, tình trạng thiếu hụt xăng dầu diễn ra từ trước Tết, khi nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất từ 105% xuống 80% do thắt chặt vấn đề ngân sách tài chính dẫn đến việc nhập khẩu dầu thô từ Kuwait bị ngừng lại. Lần cắt giảm này khác so với những lý do trước đây là bảo dưỡng, khắc phục các vấn đề liên quan đến kỹ thuật của nhà máy.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải tạm dừng nhập khẩu dầu thô phục vụ cho hoạt động, chỉ sử dụng hàng tồn kho để chế biến xăng dầu sản phẩm.
Việc cắt giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn chiếm tới 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu sản xuất phần lớn nhu cầu nhiên liệu và việc cắt giảm khâu chế biến có thể dẫn đến tăng nhập khẩu sản phẩm. Nhu cầu nhiên liệu trong nước sụt giảm do đóng cửa giãn cách Covid-19 và thị trường dầu thô toàn cầu biến động đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Không chỉ khó khăn về nguồn cung, các cửa hàng nếu có xăng để bán thì cũng lâm vào cảnh bán lỗ. Trang VnExpress phản ánh, mức chiết khấu xăng, dầu trước Tết vốn đã rất thấp, chỉ 100-150 đồng/lít thì hiện nay đã về 0 đồng với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Vì vậy, trừ đi chi phí vận chuyển, các cửa hàng xăng dầu đều lâm vào cảnh bán lỗ.
Trên báo Vietnamnet, một chủ cây xăng tại Đăk Lăk cho biết khách hàng vây kín cây xăng của ông do các cây xăng khác đều đóng cửa. Thế nhưng, người chủ này cũng chẳng vui vẻ gì bởi mỗi lít xăng bán ra lỗ khoảng 650 đồng/lít.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Thanh Trung - phó giám đốc Petrolimex An Giang - cho biết, đơn vị này cung cấp 7,7 - 7,9 triệu lít xăng/tháng nhưng hiện tại bán lỗ gần 1.000 đồng/lít.
Theo tính toán của các đại lý với việc giá xăng dầu thế giới vượt 100 USD/thùng, mỗi lít xăng RON 95 trong nước lỗ gần 900 đồng, dầu diesel lỗ 800 đồng, xăng RON 92 lỗ 730 đồng.
Trong khi đó, để đảm bảo chi phí vận hành, các cửa hàng cần có lợi nhuận khoảng 500 đồng/lít xăng dầu.
http://tintuc.vdong.vn/02/1218510.htmHà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.38590644180202202-ol-nab-gnar-nac-caoh-auc-gnod-iahp-uad-gnax-gnah-auc-ueihn-gnax-teh/nv.zibefac