Du khách đến sân bay Paris-Charles de Gaulle, Pháp vào tháng 1 - Ảnh: EPA
Ngày 8-2, báo Guardian cho biết Pháp, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã cập nhật những yêu cầu nhập cảnh đối với du khách đã tiêm đầy đủ.
Theo đó, du khách đã tiêm đầy đủ khi đến Bồ Đào Nha sẽ không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính để nhập cảnh nữa. Hy Lạp cũng bỏ yêu cầu xét nghiệm trước khi khởi hành với người tiêm đủ liều.
Pháp cũng tuyên bố sẽ sớm bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với du khách đã tiêm phòng ngoài Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, du khách ngoài EU, bao gồm Vương quốc Anh, đến Pháp phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó, bất kể tình trạng tiêm chủng.
Na Uy cũng nới lỏng các hạn chế, không còn yêu cầu du khách phải xét nghiệm khi đến nước này.
Trong khi đó, Morocco mở cửa lần đầu tiên sau 16 tuần và Úc cũng mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm phòng đầy đủ và tất cả người có thị thực từ 21-2, gần 2 năm sau khi đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19.
Theo Hãng tin Reuters, Ý đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vốn yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ngoài trời sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện tại quốc gia này. Chính phủ Ý cho biết họ đang cân nhắc cho phép thêm nhiều khán giả đến sân vận động.
Trong những tuần gần đây, tỉ lệ ca mắc mới và nhập viện tại Ý đang giảm dần nhưng số ca tử vong vì COVID-19 vẫn ở mức cao, dao động từ 300-450 ca/ngày.
Tương tự, theo Hãng tin AP, Tây Ban Nha cũng bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 10-2 vì tỉ lệ mắc bệnh và nhập viện giảm đi trong những tuần qua. Thay đổi này cũng áp dụng với trẻ em trong giờ ra chơi bên ngoài các lớp học ở trường.
Các tài xế Canada biểu tình trên một con đường ở thành phố Windsor, tỉnh bang Ontario, Canada để phản đối quy định chống dịch của chính phủ - Ảnh: AFP
Tuyến đường nhộn nhịp tại biên giới Mỹ - Canada vẫn đóng cửa
Ngày 8-2, theo Reuters, tuyến đường bộ nhộn nhịp nhất từ Mỹ sang Canada vẫn đóng cửa sau khi các tài xế xe tải Canada chặn đường để phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ.
Cuộc biểu tình bắt đầu tại Ottawa từ ngày 28-1 và các tài xế đã đậu các xe tải lớn trên đường, dựng lều, lán tạm và gây huyên náo. Nhiều người dân đã than phiền về tiếng còi inh ỏi, bị người biểu tình quấy rầy, xỉ vả và chặn đường.
Các tài xế tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình đến khi những biện pháp hạn chế bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, Chính phủ Canada cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ về vấn đề vắc xin.
EMA đánh giá liều tăng cường cho trẻ 12-15 tuổi
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang đánh giá liều vắc xin COVID-19 tăng cường của Hãng Pfizer đối với trẻ từ 12-15 tuổi, dù nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu chiến dịch tiêm tăng cường cho nhóm tuổi này, theo Guardian.
Trong thông báo ngày 8-2, EMA nói họ cũng đang đánh giá liều tăng cường cho thiếu niên 16-17 tuổi.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết các phát hiện cho đến nay chỉ ra rằng một liều tăng cường làm tăng hiệu quả bảo vệ chống nhiễm bệnh với thanh thiếu niên.
Tháng trước, Đức là quốc gia mới nhất tại EU ra khuyến nghị tiêm tăng cường cho trẻ từ 12-17 tuổi.
CDC Mỹ giữ nguyên hướng dẫn đeo khẩu trang trong trường học
Ngày 8-2, tiến sĩ Rochelle Walensky - giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ - cho biết cơ quan này vẫn giữ nguyên hướng dẫn đeo khẩu trang trong trường học do số ca bệnh vẫn ở mức cao trên cả nước.
Bình luận của bà Walensky được đưa ra trong bối cảnh giới chức một số bang như New Jersey, Connecticut, Delaware, California và Oregon thông báo kế hoạch bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà đối với trường học và nơi công cộng trong vài tuần tới.
"Hiện tại, hướng dẫn của CDC vẫn không thay đổi. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang trong trường học", bà Walensky nói.
Mặc dù số ca mắc mới tại Mỹ đã giảm nhiều so với kỷ lục hơn 1 triệu ca trong thời gian gần đây, bà Walensky lưu ý Mỹ hiện vẫn ghi nhận khoảng 290.000 ca COVID-19 mỗi ngày, với tỉ lệ nhập viện do biến thể Omicron hiện nay cao hơn hồi đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra năm 2021.
TTO - Các nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ đã đứng thắp nến và dành một phút mặc niệm vào ngày 7-2 để tưởng nhớ 900.000 người Mỹ đã mất vì đại dịch COVID-19.