IEA cho biết, chi phí năng lượng cao kỷ lục trong năm ngoái đã giúp thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp như thay thế nồi hơi gas bằng máy bơm nhiệt và chuyển sang sử dụng bóng đèn LED, nhưng tốc độ tiến bộ về hiệu quả năng lượng đã chậm lại kể từ đó.
Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc năm nay bắt đầu vào thứ Năm (30/11) tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và đây sẽ là đánh giá toàn cầu đầu tiên về tiến bộ kể từ Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt vào năm 2015. Thoả thuận đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, đồng thời hướng tới một mục tiêu giới hạn 1,5 độ C.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Tham vọng về khí hậu của thế giới xoay quanh khả năng của chúng tôi trong việc làm cho hệ thống năng lượng toàn cầu hiệu quả hơn nhiều”.
“Nếu các chính phủ muốn duy trì mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng thì việc tăng gấp đôi tiến độ sử dụng năng lượng hiệu quả trong thập kỷ này là rất quan trọng”, ông cho biết.
IEA cho biết, các khoản đầu tư đã khiến năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn 1,3% trong năm nay so với năm ngoái, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại so với mức tăng 2% vào năm 2022 so với năm 2021.
Theo IEA, hiệu quả sử dụng năng lượng cần phải tăng từ mức 1,3% lên 4% mỗi năm để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
IEA cho biết, khoảng 700 tỷ USD đã được chi trên toàn cầu cho việc hỗ trợ tiết kiệm năng lượng kể từ năm 2020. Trong số này, gần 70% được chi tiêu chỉ ở 5 quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Ý, Na Uy và Mỹ.