Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Nhật Bản liên tục ghi nhận những kỷ lục đáng buồn về số ca nhiễm và người tử vong kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện.
Thủ tướng Kishida cho biết các biện pháp hạn chế sẽ kéo dài đến ngày 6-3, thay vì kết thúc vào 13-2 như dự kiến ban đầu.
Quyết định cuối cùng về việc gia hạn các biện pháp này sẽ được chính phủ công bố trong ngày 10-2, sau khi tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia.
Ông Kishida cũng cảnh báo có nguy cơ hoạt động kinh tế sẽ bị cản trở khi số ca mắc tăng.
Chính quyền trung ương sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tại Tokyo và Osaka để thành lập khoảng 1.000 cơ sở y tế dã chiến chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
Cũng theo Thủ tướng Kishida, Chính phủ Nhật Bản sẽ bổ sung tỉnh Kochi vào danh sách các khu vực áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Ngày 8-2, chính quyền thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác của Nhật Bản đã yêu cầu chính phủ gia hạn các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khoảng 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhật Bản từng áp dụng các lệnh khẩn cấp ở nhiều cấp độ để ngăn ngừa dịch lây lan.
Ở lệnh khẩn cấp quốc gia, các quán bia rượu buộc phải đóng cửa, các sự kiện thể thao và văn hóa phải giới hạn người tham gia, đồng thời những doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị phạt.
Trong khi đó, lệnh phòng dịch trọng điểm cho phép chính quyền các địa phương tự quyết về việc hạn chế di chuyển và giờ hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhật Bản cũng đã đóng cửa biên giới trong gần 2 năm qua, khiến đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ cân nhắc các hành động phù hợp, nhưng chưa có tín hiệu nào cho thấy các biện pháp này sẽ sớm được nới lỏng.
TTO - Hãng dược Pfizer bị chỉ trích kiếm lợi từ đại dịch khi doanh thu của công ty được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, khoảng 100 tỉ USD, trong đó hơn một nửa là từ vắc xin và thuốc trị COVID-19.