Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết:
- Thời gian qua có không ít người dân đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của bọn lừa đảo rất tinh vi như tự xưng là cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông... rồi đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link có mã độc.
Sau đó, bọn chúng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy sạch tiền trong tài khoản.
* Ngân hàng có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng bỗng dưng khách hàng bị mất sạch tiền?
- Giải pháp được xem là góp phần tăng cường đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản là quy định được nêu tại quyết định 2345 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 12-2023.
Theo đó, từ ngày 1-7, chuyển tiền bằng phương thức điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch là phải xác thực khuôn mặt.
* Cụ thể giải pháp này triển khai thực tế như thế nào?
- Chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP. Còn chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bên cạnh xác thực bình thường, người thực hiện giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Mục đích là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền.
Ngân hàng Nhà nước quy định tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực bằng sinh trắc học.
Nói một cách dễ hiểu là chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần không quá 20 triệu đồng thì không phải xác thực sinh trắc học. Khi tổng số tiền đã chạm 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng thì người thực hiện giao dịch phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này sẽ ngăn chặn kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng tiền trên 20 triệu đồng.
* Vậy nếu không may bị mất tiền thì tối đa cũng chỉ 20 triệu đồng có đúng không, thưa ông?
- Đúng vậy, nếu khách hàng bị kẻ gian lấy tiền trong tài khoản thì tối đa là 20 triệu đồng. Sau đó, họ không thể bị mất được nữa dù đối tượng phạm tội có chiếm cả quyền điều khiển điện thoại của chủ tài khoản.
Vì xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Và khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý.
* Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp chính chủ tài khoản bị lừa đảo mà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng tội phạm thì có cách nào để lấy lại tiền?
- Theo kết quả điều tra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân thời gian qua, có đến 99% vụ việc là không để lại dấu vết của bọn tội phạm. Vì tiền được chuyển đến nhưng tài khoản được thuê, mượn mua bán sau đó được chuyển ra tài khoản khác. Việc truy tìm đối tượng lừa đảo rất khó khăn.
Nhưng từ 1-7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền. Muốn chuyển vào tài khoản là phải xác thực sinh trắc học. Còn trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền thì cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định danh tính. Vì phải xác thực đối chiếu với thông tin căn cước gắn chip.
* Xin cảm ơn ông.
Khuôn mặt khi chuyển tiền và khuôn mặt lưu trong con chip của căn cước công dân gắn chip phải là một. Biện pháp này sẽ ngăn chặn tình trạng thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo như thời gian qua.