vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ tha thiết mấy nọc trầu, buồng cau quê ngoại...

2022-02-10 08:49
Nhớ tha thiết mấy nọc trầu, buồng cau quê ngoại... - Ảnh 1.

1. Nếu tui nhớ không nhầm thì đến thế hệ má tui, việc ăn trầu (bao gồm nhai trầu và ngoáy trầu tươi) coi như chấm dứt sau thời gian dài tồn tại rất phổ biến trong đời sống cộng đồng dân cư Việt, nhất là ở các làng quê, vùng nông thôn với phong tục tập quán, nếp sinh hoạt đặc trưng của nền văn minh lúa nước...

Thuật ăn trầu ra đời và đã đồng hành, lan tỏa suốt hành trình mấy trăm năm, cả ngàn năm ở nhiều cộng đồng cư dân trong Nam, ngoài Bắc với cách thức tuy có khác nhau, tùy vùng miền...

Cụ nào, bác nào còn răng, răng khỏe thì tự nhai. Nếu không nhai được thì nói con cháu sắm cho cái ống ngoáy bằng đồng như cái ly nho nhỏ, kèm theo cái cây nhọn nhọn giống cây đinh, có đầu dẹp dẹp, bè bè để chọt chọt cho trầu, cau nát ra. Bộ đồ nghề ăn trầu còn có thêm một cái bình (hũ) nhỏ đựng vôi, tùy người, người thích vôi trắng, người thích vôi đỏ. Miễn sao sau khi nhai cho giập, tán cho nhuyễn để các thứ hòa quyện lại với nhau thì kỳ diệu thay lại cho ra một hỗn hợp màu thắm đỏ.

"Nếu có duyên nhau thì thắm lại. Đừng xanh như lá, bạc như vôi!".

Các cụ bảo hai câu trên là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thể hiện khát vọng, khát khao được yêu thương thực sự, thật lòng… Bậc nam nhân mà sống bạc thì vứt!

Ở trong Nam, có chỗ người ăn trầu còn thêm thắt, tăng thêm hương vị của miếng trầu bằng xác giấy - một lát gỗ mỏng như tờ giấy, loại gỗ chuyên dụng rất đặc biệt được đánh tơi ra, thêm cục thuốc xỉa để mấy bà đưa qua đưa lại chùi mép, chùi miệng khi nhai trầu...

Từ lúc mười mấy tuổi, một chú nhóc mới lớn hơi loắt choắt, thằng tui đã được trưng dụng, tiêm trầu, ngoáy trầu cho bà ngoại. Làm ngon, bà vui thì được thưởng một, hai đồng gì đó, đi kiếm mấy cái bánh sâm-banh, mấy viên kẹo bòn bon ngọt... Bù lại, nếu thao tác không ngon, không đúng ý bà thì sẽ bị mắng té tát, cắt lao động vài ngày, có khi cả tuần...

Ăn trầu được nhiều người mô tả rất tượng hình là "nhai bỏm bẻm". Đó là một thú vui có thể nói là khá tao nhã của ông già bà cả, cụ ông cụ bà xứ mình.

Nguồn gốc câu lễ nghĩa "miếng trầu là đầu câu chuyện" có lẽ xuất phát từ các lễ tiệc, hiếu hỷ, giao lưu... của ông bà ta giữa những nơi chốn còn hoang sơ, tự nhiên, đậm tình làng nghĩa xóm. 

2. Tôi không rõ cái ụ đất trước nhà trên đó trồng mấy nọc trầu tươi xanh, vàng mướt có từ bao giờ. Khi tôi phát hiện, nhận biết về cái tổ hợp mấy cây cọc to (thường là cây mù u, cây  gòn, cây mít…) làm chỗ dựa do các dây trầu leo lên để cho ra xum xuê lá trầu thì hầu như đã thành lệ: cứ nửa tháng, mười ngày, bà ngoại kêu người tới hái những lá trầu xanh, rồi nhẹ tay xếp lớp gọn gàng, xoay vòng tròn từng chục từng chục lá trầu trong cái thúng, cái mủng để gánh ra chợ.

Gánh trầu xanh đã đi vào văn chương, thơ phú nhưng mấy ai biết để bán được giá thì lá trầu phải được giữ gìn, bảo quản sao đó để không héo úa trước khi tan buổi chợ. Đầu gánh bên kia thường là mấy buồng cau đã được thử và thấy vừa ăn, không già quá, không non quá. Ngày ấy, tui leo cau phải nói là có nghề. Thót mấy cái đã lên tới đọt. Hái 2, 3 trái rồi dùng dao cau để bổ thử. Dao cau của mấy lò rèn bên Trung Chánh, An Sương, Hóc Môn, quận 12 bây giờ… phải nói là bá chấy. Sắc lẹm, đứt tay như chơi!

Ụ đất có mấy nọc trầu nhà ngoại cũng có số phận không kém phần long đong…

Lúc đó như là phong trào, các thương lái đi lùng, hái từ non tới già, không bỏ sót buồng (quày) cau nào. Nghe đâu chở xuống ga Bình Triệu, rồi đưa ra miền Bắc, Hà Nội… bán rất có giá! Các gia đình, dòng tộc ngoài ấy đã biết chú trọng lễ nghi, lễ nghĩa!

Dân ngoại thành như ở khu nhà ngoại tui theo thời thế cũng nhiễm cái bệnh hơi bị tham. Khai thác kiểu tận thu, không sớm thì muộn cũng phải đốn cây cau để lấy củ hủ, xào thịt bò nhậu…Các dây trầu thiếu bàn tay chăm sóc mau chóng biến thành "trầu lương", già chát..., không ai đụng tới!

Tôi nhớ như in cái ngày ngoại kêu người tới "bang" (san bằng) cái ụ đất được che chắn bằng mấy cây chuối đốn vội và đem mấy dây trầu ai xin thì cho…

Nhu cầu ăn trầu, xài trầu cau từ đó đến giờ cũng chỉ dừng lại ở chỗ phục vụ cho các mâm quả trong lễ hỏi, lễ cưới…

Bà ngọai tui vài năm sau cũng mất. Nhưng đến ngày giỗ chạp, lễ Tết, tui đều nhớ dâng cúng trên bàn thờ ngoại dĩa trầu cau, có vôi, có xác giấy, thuốc xỉa…

Cả một trời ký ức…

(Sài Gòn, đêm mùng chín tháng giêng)


Xem thêm: mth.76553117001202202-iaogn-euq-uac-gnoub-uart-con-yam-teiht-aht-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ tha thiết mấy nọc trầu, buồng cau quê ngoại...”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools