NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Điều khá lạ lùng là sau khi đã được tự do, nhưng nơi thi hành án vẫn mời ông “ở lại” giúp thêm một năm để hoàn thành nốt công việc đang dang dở như xây tượng đài Bác Hồ, xây dựng cơ sở vật chất... Sau khi hoàn thành, điều bất ngờ tiếp theo là ông được trả công món tiền kha khá vì những đóng góp có hiệu quả cho trại. Ông liền đem số tiền đó chia hết cho những người còn ở lại, cùng với ước mong mọi người cố gắng để sớm được đoàn tụ với gia đình!
Còn ông, nhận được lời mời về thăm lại chốn cũ khi có điều kiện của Ban giám thị, vài năm sau ông không chỉ về thăm, mà trong hành trang còn có cả tỷ đồng hỗ trợ những hộ nghèo ở địa phương - nơi từng bất đắc dĩ gắn bó với ông trong những ngày “thiên thu” ấy!
Trở lại việc kinh doanh, ông tiếp tục mời những người từng là đồng đội, cấp dưới và cả cấp trên của ông thời quân ngũ và dân sự tham gia - như cách để tri ân họ và cũng để chứng tỏ tấm lòng của mình. Ông cho biết, là con nhà nghèo, năm 12 tuổi đã phải đi ở đợ, sau này ông mới biết là làm giao liên bí mật cho những người Cách mạng nằm vùng. Năm 1979, ông đi bộ đội, 6 năm trong môi trường này, ông được học chữ và từng bước trưởng thành, chuyển ngành sang dân sự, rồi lên đến chức giám đốc doanh nghiệp lớn của một địa phương.
Nhớ lại vụ việc năm xưa, dù còn những vấn đề này khác, nhưng ông đã nhận hết trách nhiệm về mình mà không phiền trách hay đổ lỗi cho ai. Điều khá lạ lùng là mặc dù trình độ có hạn và khi được giao nhiệm vụ, ông cũng đôi lần từ chối, nhưng khi vụ việc xảy ra, không bao giờ ông đổ lỗi cho trình độ còn hạn hẹp của mình. Thậm chí trước đó, có người khuyên nên tránh đi, nhưng ông nghĩ nếu nghe theo thì không có “đường về”; còn không đi, may ra vẫn còn cơ hội, vì thế ông đã chọn ở lại.
Có lẽ vào những thời điểm bước ngoặt của số phận, việc ông chọn ở lại đồng nghĩa chấp nhận đối mặt với những chông gai phía trước đã chứng tỏ ông vẫn muốn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm ngày cũ, phấn đấu vì tương lai.
Tôi hỏi: “Tại sao anh lại có niềm tin như vậy?”. Ông bình thản cho rằng, vào thời điểm đó chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thì việc có nhận thức khác nhau cũng là điều khó tránh khỏi, và quan trọng nhất là mình không tư lợi. Việc có cả tổ chức lẫn cá nhân sẵn sàng góp vốn để ông thành lập doanh nghiệp mới tiếp tục kinh doanh sau khi thi hành án tù xong là minh chứng cho suy nghĩ, hành động của ông.
Tôi thầm nghĩ “đó có phải là sự kỳ lạ của số phận, hay còn là những tin yêu vẫn lấp lánh trong trái tim vốn đã chịu không ít tổn thương của người đàn ông này?”. Được biết lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp cần rất nhiều tiền, ông giải bài toán này như thế nào?
“Đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên được ngân hàng hỗ trợ vốn, tuy nhiên do nguồn lực còn phải ưu tiên cho nhiều nơi nữa, nên DN cũng phải tự vận động và rất may, do có mối quan hệ tốt đẹp và ân tình từ trước, nên chúng tôi được một DN lớn nước ngoài cho trả chậm tiền mua hàng trong 364 ngày không phải trả lãi, với số tiền có khi lên đến cả trăm triệu đôla!”, ông nhớ lại. Trong nền kinh tế thị trường, khi tiền lãi vay tính bằng ngày, tháng, mà vẫn có nơi cho ông vay cả năm không tính lãi như vậy thì quả là điều kỳ lạ!
Như để tri ân cuộc đời, trong 8 năm, DN của ông dành hơn 51 tỷ đồng cho công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều DN phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc, DN của ông cũng không ngoại lệ, nhưng điều “lạ” ở chỗ, ông không chỉ cho hơn 600 công nhân nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương, mà còn tăng lương thêm hơn 30% nữa cho họ. Ông bảo, tăng lương nhằm giữ chân người lao động khi nhà máy quay trở lại làm việc để tránh bị thiếu hụt lao động.
Khi có người hỏi khó: “Ông đã bị “hành” như vậy mà vẫn lo đóng góp nhiều cho xã hội?”, ông trả lời rằng: “Để đất nước yên bình và phát triển như hôm nay, biết bao người đã ngã xuống không tên tuổi, chẳng nấm mồ..., thì mình có chịu đựng một chút cũng có sao đâu!”.
Xem thêm: lmth.038621_iouc-yk-nahp-os-auc-al-yk-us/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc