Không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang gần kề. Nhiều gia đình đã bắt đầu trang hoàng nhà cửa, khẩn trương mua sắm chuẩn bị cho một mùa Tết thật đầm ấm, sum vầy.
Vào thời điểm này, tại bên kia bán cầu, nhiều gia đình người Việt tại Mỹ cho biết không khí Tết ở nhiều bang đang rất rộn ràng. Nhiều gia đình người Việt tại Mỹ cũng đã lên kế hoạch cho bản thân, gia đình trong mùa Tết sắp tới, cũng như gửi gắm mong ước cho năm mới.
Ngoài ra, trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều người Việt tại Mỹ cũng bày tỏ vui mừng và tự hào trước những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Mỹ năm qua.
Một năm 2023 nhiều thay đổi
Trong năm 2023, một năm được đánh giá là khó khăn của kinh tế thế giới, người Việt tại Mỹ cũng trải nghiệm nhiều sự biến động.
Nhiều người Việt tại Mỹ mong ước trong năm mới thế giới sẽ hòa bình, xung đột sẽ kết thúc và kinh tế sẽ khởi sắc. Ngoài ra, nhiều kiều bào cũng mong cho gia đình khỏe mạnh và gặt hái được nhiều bước tiến trong học tập, công việc.
Chị Hứa Bảo Ngân, du học sinh Việt Nam tại ĐH Portland (Portland State University - bang Oregon), chia sẻ năm 2023 là năm có nhiều thay đổi quan trọng với chị. Chị cho biết mình đã tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành và đang tập trung phát triển bản thân.
Với chị Phan Tiểu Vân, một người Việt đang định cư tại bang California, năm 2023 là một năm không mấy suôn sẻ trong việc kinh doanh.
“Gia đình mình kinh doanh ngành kim hoàn. Do năm qua tình hình kinh tế Mỹ lãi suất tăng cao, giá vàng quốc tế cũng tăng theo nên sức mua bán lẻ trong người dân cũng khựng lại” - chị Tiểu Vân chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Tuy nhiên, chị cũng lạc quan kể rằng nhờ việc buôn bán bớt bận rộn mà chị có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bản thân. Chị cũng dành thời gian tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của hội phụ huynh, đi du lịch, tập luyện thể thao và học nấu thêm nhiều món ăn mới.
Còn với anh Anh Duy, hiện là quản lý tư vấn chiến lược và công nghệ tại một công ty kiểm toán ở bang Texas, năm 2023 là một năm suôn sẻ đối với anh.
“Bước đột phá trong năm qua của tôi là được thăng chức. Ngoài ra, tôi cũng thực hiện được hoài bão là hợp tác với những người bạn để mở một quỹ học bổng cho các học sinh tại trường cũ của tôi ở tỉnh Bến Tre” - anh Anh Duy nói.
Anh Trương Thời Thắng, sinh viên ĐH Texas tại Austin (The University of Texas at Austin - bang Texas), đánh giá năm 2023 là một năm kinh tế khó khăn với việc nhiều công ty công nghệ lớn sa thải hàng loạt nhân viên, đặc biệt ở mảng lập trình phần mềm và quản lý dữ liệu. Anh Thắng cho biết điều này khiến anh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí thực tập.
Dù vậy, anh Thắng hài lòng vì trong năm qua anh đã có tiến bộ trong học tập và nghiên cứu, cũng như được đi đến nhiều nơi và gặp gỡ thêm nhiều người.
Không khí Tết Việt rộn ràng tại nhiều bang ở Mỹ
Cách Việt Nam nửa vòng Trái đất nhưng người Việt tại Mỹ vẫn duy trì được phong tục truyền thống của dân tộc vào ngày Tết. Các phiên chợ, hoạt động mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn cũng được tổ chức rất sôi nổi tại nhiều bang.
Chị Tiểu Vân cho biết với đặc thù là bang có đông người Việt sinh sống, không khí Tết cổ truyền ở bang California vẫn rõ ràng và đậm đà bản sắc dân tộc. Năm nay, các hoạt động thường niên như chợ Tết, hội hoa xuân, diễu hành mừng xuân, chương trình văn nghệ, thi hoa hậu áo dài dự kiến vẫn được tổ chức.
Trong khi đó, tại bang Texas, anh Anh Duy cho hay không khí Tết có phần yên ắng hơn.
“Chợ Tết tại nơi tôi sống thì gần năm mới sẽ tổ chức. Chợ Tết ở đây thường được mở 1-2 ngày. Tuy nhiên, các chợ người Việt Nam, Trung Quốc thì đã bắt đầu trang hoàng, trưng bày các mặt hàng Tết Nguyên đán như mâm mứt, bao lì xì, hoa trang trí” - anh Anh Duy chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Nói về kế hoạch cho xuân Giáp Thìn sắp tới, anh Anh Duy tiết lộ anh sẽ về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Tết năm nay, anh Anh Duy dự kiến dành nhiều thời gian cho cha mẹ - điều mà sau bao năm đón Tết ở Mỹ anh rất nhớ.
“Ngày 30 Tết, tôi sẽ về thăm nhà nội, thăm cô chú, sau đó về nhà phụ cha mẹ cúng giao thừa, chúc Tết cha mẹ. Phần thời gian còn lại chắc tôi sẽ thưởng thức các món ăn ngày Tết cùng gia đình. Ở đây, tôi cũng nấu bữa cơm truyền thống ngày Tết nhưng chắc chắn không ngon bằng cơm mẹ nấu” - anh Anh Duy nói.
Dành thời gian cho gia đình cũng là kế hoạch của chị Tiểu Vân trong Tết này. Chị cho hay chị sẽ không đi chơi xa mà sẽ dành thời gian đi chùa trong TP, sau đó về tụ họp với các thành viên trong gia đình. Chị Tiểu Vân đang rất mong đợi đến phần chúc Tết trong gia đình chị năm nay.
“Năm nay, tôi sẽ ra quy định chúc Tết phải hoàn toàn bằng tiếng Việt. Cháu nào chúc được nhiều câu dài, phát âm tròn vành rõ chữ, ý nghĩa, lưu loát nhất sẽ được nhiều lì xì nhất. Việc tập cho thế hệ con cháu người Việt sinh ra tại Mỹ giữ gìn tiếng Việt là một điều quan trọng với các gia đình tại đây” - chị Tiểu Vân nói.
Riêng anh Thời Thắng, Tết này anh sẽ cùng bạn bè họp mặt. Anh dự định tổ chức một tiệc nhỏ cùng bạn bè để ăn uống, trò chuyện và lì xì đầu năm.
Phấn khởi quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ
Năm 2023 đánh dấu cột mốc ấn tượng khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện mức cao nhất trong quan hệ song phương. Với người Việt tại Mỹ, đây là một điều rất đáng vui mừng và tự hào.
Anh Anh Duy cho biết anh rất tự hào khi quan hệ Việt - Mỹ phát triển tốt đẹp.
“Việt Nam là nơi nuôi dưỡng tôi, trong khi Mỹ là nơi cho tôi cơ hội nên khi nghe tin quan hệ Việt - Mỹ phát triển tốt đẹp, tôi rất vui. Chẳng những vui mà còn tự hào nữa. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam, rất nhiều bạn bè của tôi tại Mỹ đã chia sẻ thông tin về chuyến thăm và bày tỏ sự ngưỡng mộ trước mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ” - anh Anh Duy chia sẻ.
Còn với chị Bảo Ngân, chị cho biết chị cảm thấy rất tự hào khi Việt Nam ngày càng phát triển và sánh bước với cường quốc hàng đầu như Mỹ. Chị Bảo Ngân cho rằng việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ đã mở ra tiềm năng phát triển kinh tế và hội nhập văn hóa cho cả hai nước.•
Không khí bầu cử sôi nổi ở Mỹ
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, anh Anh Duy cho hay dù bản thân đã chứng kiến bốn mùa bầu cử tổng thống nhưng anh cũng như rất nhiều người Việt tại Mỹ vẫn rất ấn tượng với không khí bầu cử tại Mỹ.
Theo đó, tại bang Texas, các ứng viên bắt đầu vận động, các phương tiện truyền thông cũng rất sôi nổi với các bài phỏng vấn, bình luận. Nhiều người Mỹ còn dán những câu ủng hộ ứng viên họ thích trên ô tô. Trên radio cũng có vận động, quảng cáo tranh cử.
Trong khi đó, tại bang Oregon, chị Bảo Ngân mô tả không khí mùa bầu cử tại đây “náo nhiệt nhưng không kém phần căng thẳng”. Chị cho biết các văn phòng tại nhiều quận đang nỗ lực giúp đỡ các cử tri ghi danh bầu cử và đảm bảo sự công bằng trong quyền lợi bầu cử cho tất cả cử tri.