Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm vùng sản xuất lúa tôm xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vào sáng 10-2 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 10-2, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan và đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - kiến nghị nhiều nội dung đến việc phát triển mô hình lúa tôm đang được phát triển nhiều trên địa bàn tỉnh này.
Cụ thể, kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất lúa - tôm, trong đó có hệ thống thủy lợi, nhất là ô đê bao khép kín, trạm bơm điện phục vụ sản xuất đối với mô hình này; hỗ trợ tỉnh xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu và hạ tầng logistics để nâng cao giá trị và khả năng tiếp cận thị trường của mô hình lúa tôm.
Đặc biệt, có cơ chế đặc thù cho việc triển khai mô hình lúa - tôm, tiến tới phát triển thương mại "lúa thơm - tôm sạch" vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng do là trung tâm ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu cần quan tâm vùng nguyên liệu tôm lúa. Cần có sự liên kết để xây dựng các vùng, tiểu vùng để đảm bảo lượng tôm đủ cung cấp cho trung tâm chế biến tôm cả nước.
Ngoài ra, bên cạnh phát triển tôm lúa, ông Nam cũng lưu ý Bạc Liêu và các địa phương trong vùng cần phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có tăng cường quảng bá qua việc tặng quà là sản phẩm này ở các dịp lễ hội, mục đích là "để đẩy sản phẩm nông thôn lên bên cạnh con tôm, cây lúa".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng với mô hình lúa tôm thôi đã thể hiện sự thích ứng của người Bạc Liêu với sự thay đổi chung của thế giới. Ông Hoan đề nghị cần có sự cập nhật, xây dựng lại hướng đi của con tôm với tư duy tích hợp, đa giá trị giữa con tôm, cây lúa đối với hệ sinh thái nước mặn, nước lợ của vùng bán đảo Cà Mau.
Tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần cập nhật, xây dựng lại hướng đi của con tôm với tư duy tích hợp, đa giá trị giữa con tôm, cây lúa đối với hệ sinh thái nước mặn, nước lợ của vùng bán đảo Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngoài ra, ông Hoan cũng đề nghị việc xây dựng các chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp cần làm sao cho người dân biết và cùng cộng đồng thực hiện. "Làm sao người nuôi tôm ở huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi biết mình có đề án rất lớn là thủ phủ của ngành tôm. Mọi chiến lược sẽ là thất bại nếu người nông dân không đoái hoài, lủi thủi làm theo truyền thống, trong khi ta tạo đề án, hướng đi mới mẻ, khát vọng trở thành thủ phủ tôm.
Muốn người dân là chủ thể, là trung tâm thì làm sao phải nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư, cộng đồng đó tiếp cận tất cả vấn đề, định hướng lớn của địa phương chúng ta", ông Hoan gợi ý.
TTO - Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định, mô hình lúa tôm là chọn lựa tốt nhất ở những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Xem thêm: mth.15045731101202202-mot-aul-neirt-tahp-ohc-uht-cad-ehc-oc-ihgn-neik/nv.ertiout