Theo thống kê của trang GlobalFirepower đầu năm 2022, quân đội Nga đang có ưu thế áp đảo trước Ukraine trên mọi phương diện như số binh sĩ, số xe tăng, máy bay, tàu chiến, ... Nếu không có sự hỗ trợ của các nước Phương Tây, Ukraine sẽ rất khó chống lại sức mạnh quân sự của Nga khi chiến tranh nổ ra.
Hãng tin AFP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho hay: Nếu Moscow quyết định tấn công tổng lực, quân đội Nga có thể chiếm thủ đô Kiev và lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky trong vòng 48 giờ kể từ khi động binh.
Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có ra lệnh xâm lược Ukraine một lần nữa trên quy mô lớn hơn hồi 2014 hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Giới phân tích đã đưa ra nhiều đồn đoán về thời điểm Nga tấn công, có thể là vào giữa hoặc cuối tháng 2 này.
Tuy nhiên, có thể chính ông Putin cũng không biết chắc có động binh hay không và vào lúc nào vì Nga còn phải xem xét phản ứng của Phương Tây trước khi đưa ra quyết sách. Trong các phát biểu công khai, đại diện chính phủ Nga khẳng định không có kế hoạch xâm lược Ukraine.
Nhưng nếu không có ý định tấn công thì Nga tập trung hơn 100.000 binh lính cùng vũ khí hạng nặng gần biên giới Ukraine làm gì? Nga chưa thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này.
Tổng dân số của Ukraine hiện nay là khoảng 44 triệu người trong khi của Nga là 142 triệu. Số người có thể phục vụ trong quân đội Nga là 46,7 triệu, nhiều gấp 3 lần Ukraine.
Ngân sách chi cho quốc phòng một năm của Nga là 154 tỷ USD, nhiều gấp 13 lần Ukraine. GDP và dự trữ ngoại hối của Nga cũng hoàn toàn áp đảo.
GlobalFirepower cho biết Nga hiện có 6.574 khẩu pháo tự hành và 7.571 khẩu pháo kéo, đều xếp số 1 thế giới và nhiều hơn Ukraine lần lượt 6 lần và 4 lần.
Nga có diện tích đất liền lớn nhất thế giới nên việc sở hữu lực lượng pháo binh hùng mạnh là điều dễ hiểu. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 – 1945), Hồng quân Xô Viết thường duy trì lực lượng gồm 100.000 khẩu pháo các loại. Ngày nay, các loại vũ khí được phát triển theo hướng tinh vi, hiện đại và chính xác hơn nên không cần số lượng quá nhiều như trước.
Ukraine chỉ tiếp giáp với một biển duy nhất là Biển Đen nên lực lượng hải quân tương đối khiêm tốn. Trong khi đó, hải quân Nga bao gồm 4 hạm đội hoạt động ở 4 khu vực riêng biệt: Biển Đen, Biển Baltic, Bắc Băng Dương, và Thái Bình Dương. Các hạm đội này tách rời nhau và không thể chi viện cho nhau khi cần.
Tuy vậy, chỉ riêng Hạm đội Biển Đen của Nga đã đủ sức áp đảo hải quân Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga chiếm lấy bán đảo Crimea trên Biển Đen vào năm 2014.
Nhìn chung, GlobalFirepower đánh giá Nga là nước có quân đội mạnh thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Ukraine đứng thứ 22.
Lực lượng Ukraine cũng đáng gờm?
Theo Newsweek, Ukraine đã tăng chi tiêu cho quốc phòng từ 1,5% GDP vào năm 2014 khi Nga chiếm mất Crimea lên hơn 4% GDP vào năm 2020. Quân số Ukraine trong giai đoạn này cũng tăng quy mô gấp 25 lần, từ khoảng 6.000 người lên 150.000 người, theo một báo cáo vào tháng 6/2021 của quốc hội Mỹ.
Nhiều người Ukraine nhập ngũ sau năm 2014 rất hăng hái trong việc bảo vệ tổ quốc và đã có kinh nghiệm chiến đấu chống quân ly khai thân Nga ở vùng Donbas, phía đông Ukraine. Ông Glen Grant, một chuyên gia quốc phòng cao cấp tại Quỹ An ninh Baltic (BSF) nhận định: "Nói về cận chiến bộ binh hoặc xe tăng, tôi đánh giá Ukraine cao hơn Nga rất nhiều".
Ông Gustav Gressel, một chuyên gia phân tích tại Hội đồng Châu âu về Quan hệ Quốc tế (ECFR) ước tính Nga có thể huy động khoảng 100 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn cho cuộc chiến ở Ukraine. "Đó là một lực lượng lớn khi giao tranh. Tuy nhiên, quân đội Ukraine cũng khá đông đảo và đáng gờm".
Ông Glen Grant cho biết bất kỳ cuộc giao tranh nào ở vùng Donbas đều sẽ "rất ác liệt, quân Ukraine sẽ không lùi một bước". Tuy nhiên, vấn đề chính của quân Ukraine không phải nằm ở mặt đất mà là ở trên trời.
Nga sở hữu lực lượng không quân lớn mạnh với các loại máy bay hiện đại như tiêm kích Sukhoi Su-27 và Mikoyan MiG-28 để giành ưu thế trên không.
Các dòng Sukhoi Su-35 và Su-34 sẽ được dùng để tấn công các mục tiêu quan trọng của Ukraine như sở chỉ huy, trung tâm chính trị và kho đạn dược, nhà phân tích Gustav Gressel nói. Ngoài ra, Nga còn có hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Trong khi đó, loại máy bay tiêm kích mới nhất của Ukraine được sản xuất từ 30 năm trước. Đội máy bay già cả và phi công thiếu kinh nghiệm chính là điểm yếu chết người của Ukraine.
Kể từ khi để mất Crimea vào năm 2014, Kiev đã tích cực cải cách quân đội nhờ gói hỗ trợ quốc phòng trị giá 14 tỷ USD từ NATO. Mỹ là nhà cung cấp chính, cho Ukraine các phương tiện liên lạc, xe tải quân sự và hơn 200 tên lửa chống tăng cầm tay Javelin. Năm 2021, Mỹ chuyển đến Ukraine 650 triệu USD vũ khí các loại, trong đó có 200 triệu USD vào tháng 12.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để Ukraine san bằng cách biệt với Nga.