Bong bóng bất động sản ở Trung Quốc
Tiếng nổ ầm ĩ vang vọng khắp khu vực chẳng khác gì một đêm chung kết pháo hoa và một đám bụi cuồn cuộn bay lên không trung. Cuối tháng 8/2021, 14 toà chung cư chưa hoàn thiện ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị phá dỡ.
Nhà phát triển dự án đã gặp khó khăn về tài chính và bỏ dở việc xây dựng. Sau 7 năm bị bỏ mặc, người ta đã quyết định phá bỏ các toà nhà vì lo ngại về an toàn. Trong chưa đầy 1 phút, những toà nhà đã sụp đổ thành đống gạch vụn. Đó là một cái kết "đắng" cho một dự án đồ sộ.
Những vấn đề mà tập đoàn China Evergrande Group phải đối mặt đã làm rung chuyển thị trường bất động sản của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình, người ca ngợi đất nước là "Đại Trung Hoa", đang từ từ và lặng lẽ hành động để giữ lấy thể diện. Một trong những nhiệm vụ chính là đối phó với các "thị trấn ma".
Một số chuyên gia lo lắng rằng những tiến triển này mới chỉ chạm đến phần nổi của một tảng băng chìm. Dữ liệu cho thấy sự bất thường trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Giá bất động sản Trung Quốc cao gấp 2,6 lần so với Mỹ. Nikkei ước tính tổng giá trị thị trường nhà ở tại Trung Quốc năm 2020 là 95,6 nghìn tỷ USD.
Hình ảnh ghi lại từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy một "thành phố ma" tỉnh Vân Nam tháng 3/2021 trước khi bị phá huỷ tháng 11/2021.
Trung Quốc và Mỹ rộng tương đương nhau, nhưng đất đai ở Trung Quốc thuộc sở hữu công. Nếu gom hết đất đai trong nước, Trung Quốc có thể mua lại gấp đôi toàn bộ nước Mỹ và còn dư rất nhiều tiền.
Giá trị thị trường nhà ở của Trung Quốc vượt xa so với Mỹ
Tính toán của Nikkei dựa trên bài báo của các giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard và Yuanchen Yang của Đại học Thanh Hoa. Nhìn vào xu hướng thị trường bất động sản dựa trên diện tích nhà ở trên đầu người, dân số và giá nhà ở do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá trị thị trường đã tăng hơn gấp ba lần trong 10 năm qua.
Ngay cả Mỹ, quốc gia có quỹ thặng dư, cũng chỉ tăng trưởng 1,7 lần trong cùng kỳ. Điều này khiến cho sự bùng nổ ở Trung Quốc thực sự đáng chú ý.
GDP danh nghĩa của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 70% của Mỹ
Theo Rogoff, lĩnh vực bất động sản chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Con số này lớn hơn mức đỉnh của Tây Ban Nha và Ireland trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010. Nếu bất động sản giảm 20%, nền kinh tế nhìn chung có thể thu hẹp lại.
Tỷ trọng của ngành bất động sản trong GDP
Sự chênh lệch thể hiện rõ trong thực tế khi chỉ riêng Evergrande đã nợ hơn 300 tỷ USD. Ở các khu vực thành thị, nhiều người giàu sở hữu nhiều ngôi nhà cùng lúc và tỷ lệ sở hữu nhà rõ ràng là hơn 90%, cao hơn Singapore và cao nhất trong các quốc gia lớn trên thế giới. Tỷ lệ còn trống là hơn 20%, cao hơn Nhật Bản hoặc Mỹ. Cung và cầu hoàn toàn không cân đối.
Kể từ khi "thị trường hóa" quyền sử dụng đất lần đầu tiên vào thập niên 1990, thị trường nhà ở đã trở thành một ngành tăng trưởng mang tính biểu tượng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ bằng 70% của Mỹ, giá đất vẫn cao hơn gấp đôi.
Một số người mua các căn hộ chưa hoàn thiện đã dựng lều trong những căn phòng bê tông không cửa sổ. Ảnh: Yusuke Hinata
"Số tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt tôi kiếm được đã đi đâu?". Những lời phàn nàn đã lần lượt xuất hiện trên bảng tin của các nhà lãnh đạo trên Báo Nhân dân Điện tử Trung Quốc, ấn bản trực tuyến của tờ Nhân dân Nhật báo và là trang web tin tức quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi các bài đăng được thu thập và phân tích, các trường hợp có chứa từ khoá "toà nhà chưa hoàn thành" đã tăng lên 4.982 trường hợp trong vòng 2 năm. Nikkei cho biết chỉ riêng Vân Nam đã có hơn 80 thị trấn ma.
Hầu hết các khiếu nại là của người dân địa phương. Họ là những người đã bỏ tiền mua căn hộ trong các toà nhà chưa được hoàn thiện.
Số lượng bình luận phàn nàn về các toà nhà chưa hoàn thiện ở Trung Quốc
Niềm tin đặt sai chỗ của các doanh nghiệp và các cá nhân nơi các gói cứu trợ của chính phủ đang tăng lên mức nguy hiểm. Họ cho rằng "chính phủ sẽ cứu chúng tôi bằng mọi giá". Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bất chấp xếp hạng tín nhiệm thấp của Evergrande mà mua trái phiếu doanh nghiệp của công ty. Nói cách khác, bong bóng bất động sản Trung Quốc thực chất là một ván bài khổng lồ. Khi nó vỡ tung, toàn cầu sẽ hứng chịu nỗi đau khôn lường.
Người mua nhà rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan"
Mọi người bắt đầu sống trong các khu chung cư còn đang trong quá trình xây dựng. Sau khi các hợp đồng được ký kết, nhà phát triển gặp khó khăn về tài chính và việc bàn giao tài sản bị trì hoãn. Những người không đủ tiền trả hết khoản thế chấp và tiền thuê một căn hộ khác đã buộc phải sống trong những căn hộ chưa hoàn thiện đó. Một số toà nhà bỏ hoang đã bị phá dỡ.
Tại một căn hộ trong khu phức hợp ở Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, những tấm đệm nằm ngổn ngang dưới sàn bê tông và không có cửa sổ hoặc cửa ra vào phòng.
Các căn hộ dự kiến được bàn giao giữa tháng 6 và tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên, việc xây dựng bị trì hoãn vì vấn đề quản lý của nhà phát triển. Hơn 800 hộ gia đình đang chờ đợi để được nhận nhà. Orsun Holdings, công ty mẹ của nhà phát triển, thừa nhận tình hình khó khăn. Họ nói rằng: "Áp lực đang gia tăng từ tất cả các lĩnh vực do những thay đổi lớn trên thị trường".
Số những người sống trong những căn hộ xây dở đang gia tăng. Ảnh: Yusuke Hinata
Bà Li (tên thật đã được thay đổi) là một trong những người mua nhà. Ở Trung Quốc, sở hữu nhà là một điều kiện quan trọng để kết hôn. Li quyết định mua nhà để con trai đang độ 20 của bà có thể kết hôn.
Li đã vay 120.000 nhân dân tệ từ một công ty tài chính tiêu dùng để mua căn hộ trị giá 700.000 nhân dân tệ (110.000 USD) và trang trải các chi phí khác. Số tiền trả nợ hàng tháng của bà Li lên tới hơn 12.000 nhân dân tệ và bà không thể trả tiền một căn hộ mới cho cả gia đình. Những người sống trong toà nhà xây dở cũng cùng cảnh ngộ với Li.
Họ dùng đèn pin năng lượng mặt trời để thắp sáng vào ban đêm, rác thải đựng trong xô để đổ ở ngọn núi phía sau. Vào những ngày gió lạnh, họ ngủ trong lều dựng trong phòng của họ. Tất nhiên, bếp không hề hoạt động. Họ phải sử dụng bếp ga công nghiệp hoặc đốt bằng củi.
Ngoài vấn đề tài chính, những người như bà Li có lý do khác để lựa chọn sống trong các căn hộ xây dở. Bà cho biết họ làm vậy là để gây áp lực lên các nhà phát triển.
Nhiều người đã dồn hết của cải của mình để mua những căn hộ. Ảnh Yusuke Hinata
Lin (tên thật đã được thay đổi) là một công nhân nhà máy ở Trạm Giang, phía nam tỉnh Quảng Đông. Cô đã dùng số tiền mà gia đình tiết kiệm được để trả số tiền đặt cọc là 260.000 nhân dân tệ và ký hợp đồng mua căn hộ trị giá 700.000 nhân dân tệ. Họ mong được chuyển đến nhà mới trong khi thanh toán khoản vay 2.600 nhân dân tệ hàng tháng. Nhưng sau đó việc xây dựng bị dừng lại và căn hộ dự kiến bàn giao tháng 11/2019 đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.
Lin vẫn lạc quan tin rằng một công ty khác sẽ tiếp quản dự án và chính phủ sẽ hành động để khắc phục tình hình. Nhưng nhiều tháng trôi qua mà không có gì thay đổi. Khi không có khả năng trả tiền thuê nhà và thế chấp, Lin quyết định sống trong căn hộ chưa hoàn thiện đó vào tháng 10/2020.
Tuy nhiên, vào tháng 12, cô trở về nhà sau chuyến đi xa và phát hiện toà nhà đã bị chặn kín bằng đinh và dây xích. Cảnh sát được gọi đến và cư dân được yêu cầu xoá hết hình ảnh và video quay trong căn hộ xây dở mà họ từng ở.
Lin cho biết cô mua nhà để gia đình có thể sống thoải mái hơn. Nhưng hiện tại họ buộc phải sống trong bóng tối, giống như những ngày tháng trước khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập.
Tham khảo Nikkei
http://tintuc.vdong.vn/02/1222047.htm