Trò chuyện đầu xuân trong chương trình Tài chính thông minh của Báo Lao Động, Chủ tịch Alpha Books - ông Nguyễn Cảnh Bình và GS.TS Andreas Stoffers - người có 18 năm kinh nghiệm làm việc tại các vị trí cấp cao của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) tại Đức và Đông Nam Á nhấn mạnh bí quyết làm giàu nằm ở 3 từ khóa: Chăm chỉ, các mối quan hệ tốt và giáo dục. Đây cũng chính là những khoản đầu tư thời gian, tiền bạc ít rủi ro nhất.
Không chỉ là nhà sáng lập, Chủ tịch Alpha Books - đơn vị xuất bản nhiều đầu sách trong lĩnh vực kinh doanh, ông Nguyễn Cảnh Bình còn xây dựng, phát triển nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng như Hành Trình Tri Thức, Cùng Đọc Sách, Đại sứ Văn Hóa Đọc; sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Còn GS.TS Andreas Stoffers đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là Giáo sư về Quản trị Kinh doanh và Quản trị quốc tế tại trường Đại học Quốc tế SDI Munich về khoa học ứng dụng; Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia và trường Đại học Việt – Đức tại Bình Dương, Việt Nam. Trước đó, GS.TS Andreas Stoffers có 18 năm kinh nghiệm làm việc tại các vị trí cấp cao của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) tại Đức và Đông Nam Á.
Báo Lao Động trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật thú vị, dày dặn kinh nghiệm sống và trải nghiệm thương trường, xoay quanh chữ giàu!
Giàu có còn bao gồm tri thức, sức khỏe và lòng nhân ái
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Xin chào Andreas! Cảm ơn anh đã tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay. Anh có thể giới thiệu vài điều về bản thân được không?
- GS.TS Andreas Stoffers: Vâng, được chứ. Tôi tên là Andreas. Tôi hiện đang là Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich-Naumann tại Việt Nam. Cách đây 10 năm tôi đã đến Việt Nam làm việc trong vai trò Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Deutsche Bank tại Hà Nội. Tôi đã từng học và nghiên cứu về lịch sử khu vực Đông Nam Á trước khi làm việc trong lĩnh vực ngân hàng suốt 18 năm. Tôi có rất nhiều gắn bó với Việt Nam trong những gì tôi đã nghiên cứu và làm việc trước đây, tại Deutsche Bank và bây giờ, tại Viện Friedrich-Naumann. Hơn nữa, mối liên hệ đó còn là giữa tôi và người vợ Việt Nam của tôi (cười).
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Cảm ơn anh. Những kiến thức của anh rất đa dạng lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến các khía cạnh xã hội của Việt Nam. Chắc hẳn, anh sẽ quan sát thấy Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng. Anh có nhận thấy khác biệt trong suy nghĩ của người Việt và người Đức hay người phương Tây về quan niệm giàu-nghèo, cũng như các khía cạnh về tiền bạc?
- GS.TS Andreas Stoffers: Đây quả là một câu hỏi không dễ để trả lời ngắn gọn. Việt Nam đúng là đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt, sau thời kỳ Đổi mới thì tốc độ phát triển càng mạnh mẽ. Tôi rất ấn tượng với sự thay đổi này. Tôi nhớ lần đầu tôi đến đây năm 2009, Việt Nam đã là nước đang phát triển, từ đó đến nay cả kinh tế và đời sống xã hội đã tiến xa hơn rất nhiều. Thậm chí, tôi còn nói với các bạn tôi rằng mỗi khi tôi đi nước ngoài tầm 1-2 tháng, khi quay lại Việt Nam là đã thấy có thay đổi rồi.
Đó là về khía cạnh kinh tế xã hội. Ngoài ra, tôi nhận thấy sự thịnh vượng của người Việt cũng có thay đổi. Nhớ lại thế hệ cha mẹ hay ông bà ta sống, họ hầu như đã từng trải qua giai đoạn đói nghèo. Còn bây giờ, trong xã hội có nhiều người siêu giàu. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người rất nghèo, ví dụ như những người sống ở nông thôn, nhưng họ cũng tin rằng con cháu họ sẽ phất lên, không còn khổ như đời ông bà cha mẹ nữa. Chính sự năng động này là điều tôi rất ngưỡng mộ ở Việt Nam.
Còn về câu hỏi quan niệm giàu-nghèo, tôi nghĩ rằng xã hội sẽ gặp vấn đề nếu như chỉ có người giàu tiếp tục giàu lên còn người nghèo vẫn mãi nghèo.
Tôi cho rằng, khi xã hội phát triển đi lên, nhiều người sẽ giàu lên, nhưng miễn là người nghèo cũng phải có đủ cơ hội để phát triển lên…
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Vâng, đúng vậy. Anh có thể chia sẻ quan niệm về thế nào là giàu, thế nào là nghèo của người phương Tây trong xã hội hiện đại được không?
- GS.TS Andreas Stoffers: Theo tôi, trong xã hội hiện đại, người ta có xu hướng liên hệ sự giàu có với tiền bạc. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc nhìn vào những thứ khác ngoài tiền bạc cũng quan trọng không kém. Ví dụ như việc học. Giáo dục cũng có giá trị như vật chất.
Chẳng hạn, bạn có thể là một sinh viên nghèo ở Việt Nam, bố mẹ không có nhiều tiền. Nhưng khi bạn phát triển trong tương lai, bạn có thể có công việc tốt kiếm ra tiền, mua được nhà. Không chỉ có tiền, bạn còn có tri thức, có điều kiện đi du lịch để mở mang.
Giàu có là khái niệm rộng lớn, không dừng ở tiền. Giàu có còn là giàu tri thức, giàu sức khỏe, và tương tự như thế.
Và nữa, trong sự giàu có cũng cần lòng nhân ái nữa. Sự giàu có cần bao gồm cả ý nghĩa về của cải vật chất và lòng nhân ái.
Để thành công cần chăm chỉ và sự học
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Như anh chia sẻ thì xã hội hiện đại ngày nay hướng đến sự thịnh vượng “đa chiều” hơn. Vậy, anh có thể chia sẻ cho chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ, về một cuộc sống lý tưởng theo anh sẽ là như thế nào?
- GS.TS Andreas Stoffers: Tôi thường coi trọng tính trách nhiệm. Bởi vậy, tôi cho rằng nếu như một số người lựa chọn và hi vọng vào những cách kiếm tiền nhanh chóng như đầu tư tiền điện tử, hay vay tiền để đầu tư với kỳ vọng sinh lời nhanh…thì không phải cách làm giàu tốt.
Tất nhiên, nếu bạn trúng xố số thì bạn có thể nhiều tiền lập tức, nhưng đó là những trường hợp rất hi hữu.
Còn thông thường, để thành công cần chăm chỉ, những mối quan hệ tốt, mạng lưới, và sự học. Bởi vậy, tôi muốn động viên các bạn trẻ Việt Nam hãy tập trung vào việc trau dồi kiến thức, kế đó là trau đồi về phẩm chất.
Tôi nói điều này bởi ở Đức có những câu chuyện trúng số rồi về 0 sau một năm. Bởi tư duy, năng lực chưa phù hợp với số tiền có trong tay.
Hãy kiên nhẫn hơn, tiến từng bước, nỗ lực hàng ngày, mỗi ngày lại tốt một chút, và “học, học nữa, học mãi”.
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Andreas, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ Việt Nam không? Xoay xung quanh câu chuyện về giàu, nghèo và sự thịnh vượng mà chúng ta đang bàn đến?
- GS.TS Andreas Stoffers: Vâng, đó là chúng ta hãy ngừng so sánh bản thân với người khác. Cũng đừng so sánh chúng ta với những người mà ta cho là họ giàu hơn, trong cộng đồng của mình. Ngừng so sánh ta với những nước phát triển thịnh vượng hơn.
Hãy so sánh bản thân với chính mình, ví dụ với bản thân cách đây một năm chẳng hạn. Khi bạn nhìn lại và thấy mình đã có bước tiến, học thêm được những kiến thức mới, hoặc trong công việc có sự phát triển,... Cái đó mới quan trọng.
Tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện thú vị. Ở Đức, người ta từng thực hiện một nghiên cứu. Những người tham gia khảo sát được hỏi rằng họ muốn nhận 100 ngàn Euro/tháng và hàng xóm của họ nhận được nhiều hơn số đó, có thể là 150 hay 200 ngàn Euro/ tháng, hay họ muốn nhận mức thu nhập 50 ngàn Euro/tháng và hàng xóm nhận mức thấp hơn? Kết quả, đa số người được hỏi trả lời là họ muốn nhận mức 50 ngàn Euro/tháng vì họ so sánh bản thân với người hàng xóm. Bởi vậy, theo tôi nên xem là điều gì tốt và quan trọng với các bạn, hơn là so sánh xung quanh. Cũng như thế, sẽ không có lý nếu so sánh mức sống của người trẻ ở đây với người trẻ ở các quốc gia khác, Đức hay Mỹ. Vì bối cảnh, điều kiện và mức sống là khác nhau.
Xin chúc tất cả các độc giả của Báo Lao Động, tất cả những người bạn Việt Nam và đang sống ở Việt Nam hay trên thế giới mọi điều tốt lành trong năm mới. Hãy tận hưởng thời gian này, tận hưởng cuộc sống bạn đang có. Đừng so sánh bản thân với những người có nhiều tiền bạc hơn bạn. Hãy kiếm tiền nhưng không quên “làm giàu” cuộc sống của bạn với sự bình an, sức khỏe và những kế hoạch bạn muốn thực hiện trong năm mới. Tôi mong rằng vào thời điểm này của năm sau, khi nhìn lại một năm cũ, các bạn sẽ thấy mình đã trải qua một năm tuyệt vời. Chúc mừng năm mới!
- Ông Nguyễn Cảnh Bình: Xin cảm ơn anh!
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!
Chương trình Tài chính thông minh được đăng tải trên laodong.vn vào tối thứ năm hàng tuần, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!