Ngôn ngữ miền Tây đậm chất phóng khoáng như cuộc sống tự nhiên của người dân miệt này - Ảnh tư liệu
- Bợ con lóc bông bự chà bá này dìa nấu cháo núm cho ổng nhậu đi bà Tám. Bảo đảm ngon bá cháy bù chét, cạo lủng nồi luôn.
- Thôi đi bà, lựa giùm con cỡ cùm tay thôi, nhà nay còn có mình ên tui, ổng dẫn sắp nhỏ đi giỗ quải đàng nội gồi.
- Thì bà Tám cứ lấy dìa rộng khạp, bữa nào nhà nhóc người thì mần cũng được. Con lóc bông này mạnh dữ thần, hổng chết đâu.
- Thôi đi má, dụ khị quài, bận rày ổng ăn nhậu lòi bản họng gồi. Giỗ quải, cưới xin gì mà nhiều binh thiên.
Con ếch ngồi dựa gốc bưng. Nó kêu cái quệt, biểu ưng cho rồi.
Ca dao miền Nam
Cái núm là cái mần chi?
Đó là những lời ăn tiếng nói của kẻ bán người mua hay nghe ở chợ miền Tây Nam Bộ. Người miền ngoài mới vào có vẻ hơi lạ tai, chớ dân giồng chợ xóm bưng tại chỗ chẳng gì là ngộ.
Người miệt dưới này hay nói nấm là núm, rất ngon là bá cháy bù chét. Cho nên mới có chuyện hài truyền miệng là anh chàng rể miền Tây lần đầu về thăm quê vợ xứ Bắc. Để làm mâm chào gia tộc, vợ chồng vui vẻ dắt nhau đi chợ sớm.
Thấy bà bán nấm tươi ngon, chàng rể miền Tây "tài lanh tài lẹt" định trổ tài nấu cháo cá với nấm đặc sản xứ bưng biền để đãi nhà vợ. Xáp lại gần bà bán hàng, anh ta tỉnh rụi nói: "Bán cho tui cái núm của bà đi...". Chưa kịp nghe dứt câu, bà ta đã mặt đỏ bừng bừng, mắt long lên sòng sọc...
Trời thần ơi, thời buổi này lời ăn tiếng nói các miền theo tàu bay, xe cộ và mạng xã hội đi tứ xứ, nhưng đâu phải tiếng miền Tây nào xổ giữa đất Bắc cũng được thiên hạ rành rẽ hay ngược lại.
Bà bán nấm tưởng anh chàng thô tục, chửi liền miệng: "Tao mới mở hàng mà đã đòi núm à? Mày có thèm thì về mà ngốn cái núm ả vợ mày ấy".
Anh chàng trợn tròn mắt chưa kịp hiểu cớ sao mình bị chửi sấp mặt, nhưng cô vợ người miền Bắc đứng kế bên đã hiểu ngay ngôn ngữ bất đồng: "Xin lỗi cô, quê chồng con ở miền trong gọi nấm là núm ạ, không dám ý nói tục với cô đâu ạ".
Đây là chuyện vui mà mấy "chai rượu nhân dân" hay đem ra làm mồi nhậu lúc xị mốt xị hai trên chiếu rượu, trúng - trật thế nào tui cũng hổng dám thêm bớt.
Nhưng tình thiệt là có nhiều lời ăn tiếng nói dân chợ miền Tây hổng hề giống miền ngoài. Bán con cá, con cua lớn thì kêu bự chà bá. Mà cũng ngộ nghen, "chà bá" là cái giống gì lại đem ra so với độ bự của cá mú.
Tui nhớ miệt sông nước mình ở Long An lối thập niên 1980 hay có người thả chà (thường là cây tre hoặc me nước) cặp bờ sông để dụ cá quần tụ ở đó đặng quây lưới bắt. Dân đi trên bờ, nhìn ngó láng cháng, hay vui miệng nhận xét "đám chà này nhỏ chút lét" hay "đám kia bự chà bá".
Thủa đó, người lớn xóm tui hay kể chuyện "bự chà bá" là đời xưa mấy ông bá hộ giàu có hay thả đám chà thiệt bự ở mé sông trước dinh điền.
Rồi dần dà thiên hạ truyền miệng riết đã gắn "bự chà bá" cho đủ mọi thứ trên trời dưới đất, từ đám ruộng bự chà bá, cái ghe bự chà bá, con cá bự chà bá, thậm chí cả mấy bà mấy cô dữ dữ cũng bị nói ... đồ chà bá lửa.
Chuyện này chắc không đặng mấy phần trúng, bởi sau tui đọc sách báo còn thấy các nhà ngôn ngữ giải thích từ "chà bá" có nguồn gốc tiếng Khmer là "cho - băs" gì đó.
Thiệt bụng, sắp nhỏ tụi tui thủa đó cứ nghe ông bà, tía má biểu sao dạ vậy, ưa thói ăn theo nói leo, chớ đặng rành rẽ cái giống gì mà bàn chuyện này. Nhưng tui dám cầm chắc rằng khi ai đó quê tui nói bự chà bá thì cũng hổng khác gì... bự tổ chảng.
Mà giờ lại đem cái "bự tổ chảng" này ra để tìm ngọn ngành nữa thì mệt lắm đa. Thôi thì cứ hiểu chung chung cái nào cũng là bự, bự chà bá hay bự tổ chảng gì cũng như nhau, giống người miền ngoài nói là rất to, cực to gì đấy.
Ở xóm chợ miền Tây, nếu mấy bà mấy cô hổng xài bự chà bá thì cũng quen miệng bự tổ chảng, tỉ như: "Đồ quởn quá, muốn nghe chửi hả, con dịch (vịt) người ta bự tổ chảng dzậy mà chê ốm". Đó là khi bà bán hàng nổi máu với cô khách hổng ngại quăng trái ớt vô họng: "Con dịch có chút lét dzầy mà hét giá dữ thần".
Người buôn kẻ bán ở chợ miền Tây có lời ăn tiếng nói rất vui miệng, ngộ tai - Ảnh: Ian Berry
Chục gì mà chục mười hai, chục mười bốn?
Thời nay, lời ăn tiếng nói là phương ngữ "đặc sản" của các địa phương có vẻ lợt lạt đôi chút theo các dòng lưu dân bủa đi tứ xứ tìm kế sinh cơ.
Như về miệt cuối đất mũi Cà Mau vẫn nghe hà rầm giọng Bắc, giọng Trung, và ngay khu cửa ngõ tây nam Sài Gòn tui ở giờ lại nghe giọng Bắc muốn nhiều hơn Nam với các nhà máy đầy nhóc công nhân miền ngoài. Cuộc sống và công ăn việc làm chung đụng nhau, lời ăn tiếng nói tình cờ bị pha lẫn mắc chi là lạ.
Tuy nhiên, nếu ai đó tinh tế chịu để ý một chút thì sẽ thấy như vẫn còn hương lúa lẫn mùi phù sa trong cách ăn nói của người miền Tây, nhứt là ở ngay những vùng quê cha sanh mẹ đẻ.
Nhớ bận trước dịch, tui dắt anh bạn miền ngoài lọt tọt xuống thăm nhà vườn miệt dưới. Anh chàng cứ mắt tròn mắt dẹt khi nghe người bán kẻ mua nói chuyện: "Ê, tính chục mười hay chục có đầu đó bà nội?". "Hông, giờ tính chục mười, chớ không chục mười hai, mười bốn gì nữa".
Thánh thần thiên địa ơi, cái chục thì người miền Bắc nào chả biết là mười, nhưng chục mười hai, chục mười tám, rồi chục mười, chục có đầu là cái giống gì vậy trời? Sao không nói luôn chục hai mươi cho tròn miệng?
Tình thiệt, thủa nhỏ nhóc tui ở bưng biền Long An cũng hiếm khi thấy xài kiểu "chục thêm chục bớt" kiểu này, nên phải loay hoay mãi mới giải thích cho anh chàng miền Bắc hiểu đặng.
Chục mười, tức là... chục tròn, đúng mười ngón tay nghen. Còn chục có đầu là chục cộng thêm như chục mười hai, chục mười bốn, chục mười tám. May mà ít nghe chục hai mươi để tui thụt lưỡi, hết đàng giải thích.
Bận trước, thủa tui và đám bạn sấp ngửa tuổi 50 bây giờ còn bận quần đùi chăn trâu thì dân nhà vườn miệt các tỉnh dưới miền Tây hay bán buôn trái cây kiểu chục cộng thêm này. Tất nhiên là nếu bán chục mười tám thì sẽ là giá của chục mười tám, còn đúng chục mười thì giá của chục mười...
Thôi vậy nghen, đừng ai cắc cớ hỏi thêm nữa cho càng thêm mệt cái đầu, bực cái bội rối rắm. Tui chỉ nghe người lớn kể chuyện là hình như kiểu chục mà lại hổng phải chục lạ lùng này có ngọn ngành từ tánh cách hào sảng của người miền Tây.
Thủa xưa, miệt này còn dễ sống, khách mua chục xoài, chục ổi được chủ nhà vui vẻ liệng thêm cho hai trái, bốn trái, kể cả tám trái là rất đỗi bình thường mà không có chuyện cộng giá thêm như sau này.
Tui giờ đã 30 năm lẻ xa bưng, xa xóm giồng chợ có mấy anh hai lúa và các bà các cô bán hàng lời ăn tiếng nói chơn chất như ngọn cỏ củ khoai mà nghe "cưng mắc chết".
Hôm rồi, tui về quê chơi, đám bạn cũ rủ rê lên quán chợ làm xị mốt xị hai ôn cái thời băng đồng lội bưng mà trời gầm không sợ. Cảnh vật đổi thay nhiều, nhưng tánh người vẫn phảng phất như năm cũ, chỉ có điều không còn ba cái chuyện... nhậu nợ để lén vợ vác lúa đi trả.
Bạn bè miệt bưng rủ nhậu xị mốt xị hai, tức là làm lớt lớt, sương sương, hổng phải uống tới chỉ, uống quắc cần câu. Nó cũng hoàn toàn không phải như chục mười hai, chục mười bốn gì đó. Vậy mà chà lết manh chiếu, "xay chừng" ly rượu (uống xoay vòng) nghĩa tình chưa tới chập tối thì mớ thằng đã đứt bóng, tìm gốc cây cho chó ăn chè. Thiệt tình thương mến thương, đứa mua ly chanh nóng, đứa lau khăn lạnh cho đám chiến hữu mau giã rượu.
Trong cơn ngà ngà say tỉnh, nghe lời bạn bè quê mộc mạc mà "thương mắc chết": "Cái thằng nhìn bự tổ chảng mà yếu nhớt. Thôi ngủ chút cho phẻ lại để mai qua nhà tao làm lớt lớt chút tình nghĩa rồi hãy về trển nghe mày". Chưa tàn bữa này đã mời bữa kia, lời người miệt bưng như có mùi cỏ mùi bùn mà ấm tình nghĩa trời thần.
TTO - Nói nào ngay lời ăn tiếng nói miệt ruộng vườn, bưng biền miền Tây Nam Bộ nghe thương thiệt thương nhưng nhiều khi cũng vô tình tạo những tình huống dở khóc dở cười. Có câu chuyện không hề dóc bà cố là anh chàng miệt trong này mê cô gái Hà Nội.