Theo tờ Wall Street Journal, ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển đã tăng lãi suất trong nhiều tháng qua, tìm cách đi trước đà tăng của lãi suất Mỹ vốn có thể gây bất ổn cho các nền kinh tế đang phát triển do chi phí nợ tăng lên, đồng nội tệ suy yếu và dòng vốn rút ra khỏi thị trường.
Hiện Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất từ bốn đến bảy lần trong năm nay. Nếu thành công trong việc kiềm chế lạm phát, Fed có thể giúp các ngân hàng trung ương ở khắp mọi nơi. Việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh, gói kích thích khổng lồ của chính phủ và tình trạng người Mỹ "vung tiền" vào mọi thứ từ đồ chơi và thiết bị gia dụng đã làm rối loạn chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tăng cao trên toàn thế giới.
Cho đến nay, các ngân hàng trung ương ở nước ngoài đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát đà tăng lạm phát do việc Fed vẫn hầu như chưa có hành động gì. Tuy vậy, với việc Fed đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến, một số người nói rằng triển vọng thành công sẽ lớn hơn.
Ông Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Barclays cho biết: "Nếu điều này giúp giảm bớt một số áp lực nhu cầu đối với hàng hóa giao dịch toàn cầu, nó có thể cho phép các ngân hàng trung ương khác hành động ít hơn".
Rủi ro đối với các nền kinh tế đang phát triển là không rõ Fed sẽ quyết định tăng các mức lãi suất bao nhiêu và tăng nhanh như thế nào.
Sự không chắc chắn đó có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển có khả năng phục hồi yếu hơn ở Mỹ, một phần do tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp hơn và giới hạn về số tiền mà chính phủ những nước này có thể vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trong đại dịch.
Một mối đe dọa khác là những chính phủ và doanh nghiệp có các khoản nợ đáng kể bằng USD sẽ phải chứng kiến các khoản thanh toán lãi suất của họ tăng lên.
Trong các quyết định chính sách gần đây của mình, một số ngân hàng trung ương đã lưu ý đến các hành động của Fed, trong khi một số nước khác lại để mắt đến vấn đề lạm phát trong nước.
Ngân hàng trung ương Brazil, một trong những ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất vào tháng 3/2021, đã vừa công bố lần tăng lãi suất thứ tám kể từ đó, đưa lãi suất cơ bản từ mức 2% ban đầu lên tới 10,75%. Lạm phát của Brazil kết thúc năm 2021 ở mức 10,1%.
Chi phí để kiểm soát lạm phát đối với các nền kinh tế như Brazil đang tăng lên. Trong dự báo mới nhất về nền kinh tế toàn cầu, được công bố vào cuối tháng 1/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ trong năm nay xuống chỉ còn 0,3% từ 1,5%, với lý do "phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ".
Đối với các ngân hàng trung ương như ở Brazil, Nga và những ngân hàng khác đã có những thay đổi lớn về chính sách, triển vọng tăng lãi suất của Fed sẽ ít gây khó khăn hơn so với các giai đoạn trước.
Tuy nhiên, giờ đây, thời điểm và quy mô tăng lãi suất của Fed đang làm tăng thêm lo lắng đối với những nước này. Khi năm 2021 sắp kết thúc, nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách đã kỳ vọng Fed sẽ thực hiện ba lần điều chỉnh chính sách. Nhưng các lo ngại về việc tình trạng lạm phát kéo dài hơn đang khiến nhiều người kỳ vọng Fed sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất hơn.
"Vẫn chưa chắc chắn về việc quá trình bình thường hóa sẽ đi bao xa và thời gian chính xác, và sự không chắc chắn này tiếp tục gây ra xáo trộn thị trường tài chính và biến động dòng vốn", ông Lesetja Kganyago, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Nam Phi, cho biết khi giải thích về quyết định tăng tỷ giá cơ bản vào cuối tháng Một.
Ngoài ngân hàng trung ương của Nam Phi, các ngân hàng của Colombia, Chile, Cộng hòa Czech và Hungary cũng đã tăng lãi suất kể từ cuối tháng Giêng. Nhìn chung, các nhà kinh tế tại JPMorgan kỳ vọng rằng 14 trong số 23 ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi mà họ theo dõi sẽ tăng lãi suất trong quý này.
Sau khi đã tăng lãi suất cơ bản rất nhiều so với mức đầu năm 2021, các ngân hàng trung ương như ở Brazil có thể không cần phải làm gì nữa. Nhưng những ngân hàng trung ương khác đã chờ đợi với hy vọng rằng áp lực lạm phát sẽ giảm bớt - chẳng hạn như Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - có thể phải tham gia vào quá trình chuyển đổi toàn cầu sang chính sách thắt chặt hơn.
Những ký ức về sự hỗn loạn năm 2013 vẫn còn nguyên vẹn. Vào tháng 5 năm đó, Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke nói với các nhà lập pháp rằng Fed đang xem xét giảm tốc độ mua trái phiếu chính phủ mà không thực sự công bố thay đổi chính sách như vậy.
Đối với nhiều người theo dõi Fed, ông Bernanke chỉ đơn giản là lặp lại quan điểm được thể hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2013. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư đã lo sợ và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao hơn, gây ra làn sóng rút vốn trên khắp thế giới, với những hậu quả đặc biệt đáng lo ngại đối với các thị trường mới nổi.