Giá vàng ồ ạt lao dốc sau ngày vía Thần tài; Lo giá xăng tăng mạnh, người dân tranh thủ đổ xăng từ giữa trưa; Vẫn còn 2.580 xe hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc... là những tin tức kinh tế đáng chú ý 24h qua.
Giá vàng ồ ạt lao dốc sau ngày vía Thần tài
Giá vàng ngày 11.2 ồ ạt giảm sau ngày vía Thần tài. Giới chuyên gia nhận định giá vàng không thể bắt bứt phát vì những dữ liệu lạm phát mới nhất đang làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ đưa ta quyết định tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3. Các thị trường hiện đang dự đoán về khả năng sẽ có sáu lần tăng lãi suất trong năm nay.
Giá vàng thế giới cũng không phản ứng nhiều trước bản báo cáo về lạm phát được đánh giá là “nóng” nhất lịch sử của Bộ Lao động Mỹ.
Cụ thể, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng đầu năm 2022, sau khi tăng 0,5 trong tháng cuối cùng của năm 2021. Dữ liệu này đã tăng 0,2% so với mức dự báo của các nhà kinh tế. Chỉ số lạm phát hàng năm đã chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm qua là 7,5%. Xem thêm...
Lo giá xăng tăng mạnh, người dân tranh thủ đổ xăng từ giữa trưa
Nhân viên của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thành phố tất bật từ giữa trưa ngày 11.2 bởi lượng khách đến đông, sau thông tin giá xăng có thể tăng rất mạnh trong chiều cùng ngày.
Rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ: Ngân hàng chịu nhiều áp lực
Mới đây, Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) cho biết đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỉ đồng.
Khối tài sản trên thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Cụ thể, Vietcombank đấu giá quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II.
Khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA...
Theo ý kiến chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng xử lý nợ thông qua rao bán tài sản đảm bảo là điều buộc phải làm trong thời điểm này, trong bối cảnh phải chịu nhiều sức ép.
Chuyên gia kinh tế TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết: "Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022 nên ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình thanh lý, phát mãi tài sản, đấu giá tài sản. Hơn nữa, trong nội dung sửa đổi Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu đánh giá xếp hạng. Cho nên giải pháp này là bắt buộc để giảm trừ tỉ lệ nợ xấu xuống" - TS Châu Đình Linh cho hay. Xem thêm...
Vẫn còn 2.580 xe hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến ngày 10.2.2022, trên tuyến biên giới phía Bắc có 13/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 5/7 cửa khẩu (Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn), Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh); Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).
Có 4/6 cửa khẩu chính đang hoạt động là Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Sóc Giang (Cao Bằng); có 3/21 cửa khẩu phụ đang hoạt động, gồm: Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh), Hoành Mô (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn); có 1/42 lối mở/điểm thông quan đang hoạt động, gồm: Lối mở Km3+4 Hải Yên (Quảng Ninh).
Sau Tết Nguyên đán, tổng lượng xe chờ xuất khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc tính tại thời điểm 8 giờ ngày 10.2.2022 là 2.580 xe, tăng 333 xe so với ngày 9.2.2022. Trong đó, tại Lạng Sơn là 1.514 xe, tại Quảng Ninh có 686 xe, Lào Cai: 180 xe, Cao Bằng: 200 xe. Xem thêm...