Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B - Ảnh: ĐỨC TRONG
Liên quan sai phạm tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (phường Phú Hài, TP Phan Thiết), ngày 11-2 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khám xét nhà ở và nơi làm việc của các nguyên lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên - môi trường và Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Trong những người này, chỉ có ông Ngô Hiếu Toàn bị bắt khi đương chức phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh. Tổ công tác của bộ đã đến trụ sở Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận trên đường Võ Văn Kiệt, TP Phan Thiết làm việc.
Ngoài ra, tổ công tác đến nhà riêng ông Nguyễn Ngọc Hai, Lương Văn Hải (nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm và Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh) thực hiện lệnh khám xét.
Liên quan vụ án này, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố tổng cộng 5 bị can.
"Biến hóa" để bán không qua đấu giá
Theo tư liệu của Tuổi Trẻ, trong báo cáo kết quả bán đấu giá 3 lô đất 18, 19, 20 (tổng diện tích khoảng 9,2ha) thuộc quỹ đất hai bên đường 706B của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận vào tháng 6-2016, địa phương đã thông báo 6 lần nhưng không ai mua.
Trung tâm đề xuất 3 phương án để xử lý các lô đất trên. Trung tâm thiên về phương án thứ 2 là xem xét lại giá khởi điểm đấu giá các lô đất trên được phê duyệt vào năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 111 tỉ đồng).
Trong phương án này, trung tâm nhận thấy chưa xác định được nguyên nhân không có khách hàng tham gia đấu giá có phải là do giá khởi điểm cao hay không. Mặt khác, trung tâm khẳng định bảng giá đất của tỉnh đến thời điểm này (năm 2016) có sự thay đổi.
Do đó trung tâm đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Thuận xem xét lại giá khởi điểm đấu giá đối với các lô đất này.
Tuy nhiên đầu năm 2017, Công ty cổ phần Tân Việt Phát đề nghị xin UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - môi trường cho chủ trương giao các lô đất trên không thông qua hình thức đấu giá.
Lý do công ty đưa ra ngoài nguyên nhân địa phương đang khó khăn trong tổ chức bán đấu giá còn ảnh hưởng tiêu cực đến họ.
Công ty cho rằng thời điểm trên khu vực hai bên đường 706B chưa có nhà đầu tư nào ngoài mình đang triển khai dự án nên không hấp dẫn khách hàng.
Các lô đất 18, 19, 20 nằm liền kề với dự án mà công ty đang triển khai (Tân Việt Phát 1) vẫn còn dấu tích mồ mả, thành, hố, quách, bia mộ cũ…
Chính vì hiện trạng này, công ty cho rằng dẫn đến yếu tố tâm linh trong việc đầu tư kinh doanh nhà. Từ đây công ty xin chủ trương giao toàn bộ diện tích 3 lô đất trên để mở rộng dự án (sau này có tên là Tân Việt Phát 2).
Từ đề nghị trên, ngày 3-2-2017, ông Hồ Lâm (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Thuận) ký tờ trình gửi đến UBND tỉnh xin ý kiến giao các lô đất trên không thông qua đấu giá cho công ty.
Trong tờ trình này, sở cũng kiến nghị áp dụng giá đất khi giao cho công ty bằng với giá khởi điểm lúc đưa ra đấu giá (áp dụng năm 2013).
Đồng thời ông Ngô Hiếu Toàn - phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh - cũng ký văn bản thống nhất với chủ trương này của Sở Tài nguyên - môi trường.
Lực lượng chức năng khám xét nhà riêng của các cựu quan chức tỉnh Bình Thuận sáng 11-2 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhập nhằng áp giá đất
Ngày 7-3-2017, ông Lương Văn Hải (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) ký quyết định thu hồi toàn bộ diện tích của 3 lô đất trên do trung tâm quản lý và giao lại cho công ty.
Trong đó, địa phương cho công ty thuê lô số 18 với diện tích khoảng 2,3ha để thực hiện mục đích thương mại dịch vụ. Còn lô số 19 và 20 được địa phương giao cho công ty để sử dụng vào mục đích đất ở kết hợp thương mại, với thời hạn sử dụng lâu dài.
Ông Nguyễn Toàn Thiện - trưởng Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nguyên đại biểu HĐND tỉnh hai nhiệm kỳ từ năm 2011 đến 2021 - từng nhiều lần phát biểu, kiến nghị địa phương phải khắc phục, sửa sai liên quan vụ việc trên.
Ông còn kiến nghị phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ đấu giá các lô đất trên, tìm kỹ nguyên nhân có phải không nhà đầu tư nào "mặn mà" hay không.
"Lẽ ra địa phương cần xem xét kỹ lưỡng lại hồ sơ đấu giá. Nếu hồ sơ thông báo đấu giá không đúng thì hiển nhiên việc giao đất không đúng. Còn nếu việc giao đất là đúng nhưng lại căn cứ vào giá năm 2013 lại sai. Tỉnh phải áp giá thời điểm giao đất là năm 2017 vì đã có chênh lệch lớn về giá đất. Việc này đã gây thất thoát lớn cho ngân sách" - ông Thiện nói.
Ông Thiện nói tiếp: "Thời điểm đó tôi với tư cách là đại biểu đã giám sát kỹ vụ việc này. Tôi phát hiện nhiều điểm khuất tất, đề nghị khắc phục ngay.
Vì sao lại áp giá khởi điểm của hình thức đấu giá từ nhiều năm trước khi giao đất cho doanh nghiệp? Hai hình thức này rõ ràng khác nhau, không thể nhập nhằng hai thành một. Nếu lúc đó địa phương sớm khắc phục thì không có kết cục bắt bớ như hôm nay".
TTO - Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 người là cựu chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, cựu giám đốc, phó giám đốc Sở TN-MT, phó giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận.