Trước đây, hòn đảo du lịch nổi tiếng Koh Samui của Thái Lan có rất nhiều du khách nước ngoài. Nhưng năm nay, nó "giống như một nghĩa địa", theo lời mô tả của Virach Pongchababnapa, một chủ khách sạn địa phương. Khách du lịch đã biến mất. Khách sạn và nhà hàng đóng cửa. "Không có sự sống, không có chuyển động", ông Virach thở dài.
2022 được cho là năm mà ngành du lịch Đông Nam Á bắt đầu gượng dậy. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã trì hoãn quá trình này. Cuối năm ngoái, một số quốc gia đã bắt đầu tiếp nhận khách du lịch lần đầu tiên sau gần hai năm, nhưng đóng cửa lại khi Omicron xuất hiện.
Tháng này, các đường biên giới bắt đầu mở ra một lần nữa. Những du khách đã hoàn thành đủ các mũi tiêm sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh Thái Lan kể từ 1/2 và Philippines kể từ ngày 10/2. Thái Lan đang mong đợi đón 300.000 du khách trong tháng này, con số rất khiêm tốn so với mức trung bình hàng tháng trước đại dịch là 3 triệu. Nhưng dù gì, đó cũng là một khởi đầu.
Theo Hội đồng Thương mại và Du lịch Thế giới, nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào du lịch nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, kể cả vùng Caribê. Năm 2019, năm cuối cùng mà mọi người có thể đi lại tự do, du lịch đóng góp gần 12% GDP khu vực. Ngành này chiếm khoảng một phần bảy nền kinh tế Campuchia và sử dụng một phần năm lực lượng lao động của Thái Lan.
Khách nước ngoài là huyết mạch của doanh nghiệp nơi đây. Họ đóng góp một nửa trong tổng số chi tiêu du lịch, dù các nước này cũng có nền du lịch nội địa phát triển mạnh. Khách nội vốn chỉ chiếm 33% và đôi khi chỉ chiếm 5% số lượng tùy nơi. Trong khi đó, Covid-19 đã kéo giảm nghiêm trọng khách ngoại. So với năm 2019, lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á giảm 82% năm 2020 và 98% vào năm 2021.
Tình hình được hy vọng sẽ cải thiện phần nào trong năm nay. Khi khu vực này mở cửa, khách Âu - Mỹ sẽ đổ xô trở lại những bãi biển đầy cát ở Bali và Phuket. Nhưng sự phục hồi vẫn là mong manh. Hầu hết khách du lịch tại Đông Nam Á đến từ những nơi khác ở châu Á. Trung Quốc, nguồn khách lớn nhất, chưa có dấu hiệu cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.
Sự vắng mặt này đã gây thiệt hại cho kinh tế Đông Nam Á. Vào năm 2020, đóng góp của du lịch cho GDP khu vực đã giảm hơn một nửa. Thu từ khách du lịch quốc tế giảm 78%, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa.
Vào tháng 5, khi làn sóng Covid-19 tràn qua Campuchia, khoảng 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ do Asia Foundation - một tổ chức ngoại giao của Mỹ - hỗ trợ, đã đóng cửa. Theo Hội đồng Du lịch Thái Lan, một phần tư các công ty du lịch nước này đã đóng cửa vĩnh viễn kể từ sau đại dịch.
Nhiều người không có việc làm. Bảy triệu trong số 43 triệu việc làm du lịch tồn tại năm 2019 đã biến mất một năm sau đó. Nhiều người còn bám trụ được thì bị giảm lương và giờ làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết số giờ tại Philippines đã giảm trung bình 38%. Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực của ILO cho biết tác động của đại dịch đối với lĩnh vực du lịch ở Châu Á và Thái Bình Dương "là một thảm họa lớn".
Tuy nhiên, dù khách du lịch quốc tế có quay trở lại với số lượng trước đại dịch chỉ sau một đêm, khó khăn với các chủ khách sạn như ông Virach vẫn còn và thậm chí là trầm trọng hơn.
Tình trạng thiếu lao động đang diễn ra ở các quốc gia có nền du lịch nội địa phát triển mạnh hoặc đã bắt đầu mở cửa trở lại. Kongsak Khoopongsakorn, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, cho biết các khách sạn ở Phuket đang gặp khó khăn trong việc thuê kỹ sư, thợ điện và đầu bếp.
Ngành nhà hàng của Singapore cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực từ 20-30%. Accor - nhà điều hành khách sạn lớn nhất nước này - đang đăng tuyển hàng loạt vị trí trong các bộ phận bếp, dọn phòng và an ninh. Vào tháng 11, Hiệp hội Khách sạn Malaysia, cho biết việc thiếu lao động có nghĩa là các khách sạn không chuẩn bị sẵn sàng để đón khách khi đất nước mở cửa trở lại.
Các khách sạn và nhà hàng ở những nước này từ lâu đã phụ thuộc vào lao động nhập cư từ các nước láng giềng như Indonesia và Myanmar. Nhưng tình trạng thiếu việc làm, các quy định nhập cư khó hơn và không có nhiều hỗ trợ an sinh đã buộc họ hồi hương khi Covid-19 ập đến.
Lực lượng lao động nước ngoài của Singapore đã giảm 16% trong 18 tháng tính đến tháng 6/2021. Lao động nước ngoài ở Malaysia đã giảm còn 800.000, từ 1,9 triệu vào năm 2018, một phần do giấy phép lao động hết hạn và không thể gia hạn. Ít nhất một phần năm trong số 2,5 triệu lao động nước ngoài của Thái Lan đã rời đi kể từ sau đại dịch. Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cho biết ngành du lịch và các doanh nghiệp liên quan cần ngay lập tức 300.000 lao động nhập cư.
Ngay cả những quốc gia mà hầu hết người lao động là dân địa phương, tình hình cũng chẳng khá hơn. Nhiều người Campuchia đang chống chọi với đại dịch ở nông thôn. Việc quay trở lại các trung tâm du lịch đòi hỏi phải trả tiền đi lại và ăn ở, trong khi chính nhà tuyển dụng cũng không dám chắc khả năng cung cấp công việc ổn định cho họ. "Chừng nào bạn không đảm bảo rằng họ sẽ có việc này làm lâu dài, thì mọi người vẫn còn ngần ngại quay lại", một nhà tư vấn Campuchia nói.
Vấn đề là sự bất ổn dai dẳng do đại dịch khiến khó ai chắc chắn được về thời gian phục hồi của ngành du lịch. Một số người đã chán ngấy điều đó và rời đi tìm việc khác. Theo Liên đoàn Công nhân Thực phẩm, Đồ uống Singapore, ngày càng nhiều nhân viên khách sạn đi tìm việc làm ngành khác với thu nhập tốt hơn. Một cuộc khảo sát do Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện vào tháng 6/2021 cho thấy gần một phần tư lao động có trình độ cao trong ngành du lịch đã rời sang ngành khác.
Hậu quả là khách du lịch sẽ không nhận được tiêu chuẩn dịch vụ mà họ mong đợi. Khách lưu trú ở khách sạn tại Singapore phàn nàn về việc phải xếp hàng để được vào ăn sáng. Du khách đến Penang (Malaysia) phải mất hàng giờ để nhận phòng. Các khiếu nại đang chồng chất trên các trang web như TripAdvisor. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài một thời gian nữa.
Nhưng về lâu dài, những trải nghiệm này sẽ qua đi, như chính đại dịch. Khi mọi người dễ dàng đi nước ngoài và Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu, người lao động sẽ quay lại. Ngành công nghiệp này vẫn hấp dẫn người lao động Đông Nam Á, đặc biệt là những người đến từ các nước nghèo trong khu vực. Sara Elder, nhà kinh tế cấp cao tại ILO, cho biết "có rất nhiều người thu nhập thấp vẫn sẵn sàng nhận công việc lương thấp".
Phiên An (theo The Economist)