Đây là kế hoạch được đưa trong Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày 15-5.
Trong chương trình này có một số nhiệm vụ đáng chú ý như:
Tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng hai di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.
Nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật.
Hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, 50 khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương không tự cân đối được ngân sách.
Nghiên cứu phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia; xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam.
Triển khai "Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến".
Hoàn thiện Trung tâm Bảo quản tài nguyên thông tin số quốc gia, có khả năng liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.
Phấn đấu sản xuất trong một năm: khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh; 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học và 40 tác phẩm phim hoạt hình (trong đó có khoảng 30% số phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước).
Mỗi năm có khoảng 45 tác phẩm, công trình điêu khắc mỹ thuật, 60 tác phẩm, công trình mỹ thuật, nhiếp ảnh về lịch sử dân tộc, đấu tranh cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước.
Trọng dụng người tài, xây dựng văn hóa số
Một nhiệm vụ nữa là nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số.
Chương trình này cũng đưa ra nhiệm vụ đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế có quy mô, uy tín; hình thành và phát triển được ba đến năm thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế có chất lượng tại Việt Nam.
Về nhiệm vụ phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, chương trình đưa kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật.
Lựa chọn những văn nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức trẻ có năng lực, khả năng sáng tạo để đào tạo dài hạn, tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài…
TTO - UBND quận Tây Hồ dự kiến sẽ xây nhà hát khoảng 1.600 chỗ ngồi trên diện tích khoảng 13.000m2 ở hồ Đầm Trị (sát hồ Tây).