Năng lượng vẫn là câu chuyện nổi bật, đi cùng đà hồi phục kinh tế sau dịch trong hơn 1 tháng đầu của năm 2022, với lo nhiều hơn là mừng. Giá dầu thô đã tăng hơn 50% trong năm 2021. Và chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm nay, đã tăng tiếp từ hơn 15% và gần 18% với dầu Brent và dầu thô WTI. Đáng chú ý, áp lực thiếu năng lượng cho quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu sau dịch đã nhìn thấy từ giữa năm trước, nhưng khi dầu chạm đến mốc cao nhất trong 8 năm, với nguyên nhân do cả lý do cũ là thiếu nguồn cung, đến các lý do mới như căng thẳng địa chính trị, hay dịch bệnh biết đâu sẽ còn khó lường, thì nhiều dự báo cho rằng câu chuyện giá dầu sẽ còn phải tiếp tục nói nhiều nữa trong năm nay, cũng như chuẩn bị tâm lý cho các mốc giá cao mới.
Trên biểu đồ diễn biến giá dầu thế giới, giá dầu tuần qua đã lập đỉnh mới, cao nhất kể từ tháng 10/2014, khi giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI vượt mốc 93 USD/thùng. Đây cũng là tuần thứ 7 liên tiếp giá dầu thô thế giới tăng.
Bà Elisabetta Cornago - Nhà nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu năng lượng vì cải tổ châu Âu cho rằng: "Tất cả điều này đều có nguyên nhân chung là sự tăng trở lại bất ngờ của các nhu cầu khi nền kinh tế đang phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19. Chúng ta đã thấy nhu cầu năng lượng tăng cao hơn từ nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế".
Một nguyên nhân khác là sự thiếu hụt về nguồn cung dầu. 13 thành viên tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC chỉ đạt mức tăng sản lượng hàng ngày 50.000 thùng trong tháng Giêng vừa qua. Các nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Iraq, dù có khả năng đẩy nhanh nguồn cung song gặp khó khăn về vấn đề dự trữ. Trong khi đó, tình trạng khí hậu khắc nghiệt nhiều khu vực tại Mỹ cũng gây lo ngại về nguy cơ đứt gãy sản xuất tại Permian, khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ; Nga thì gặp khó do tình trạng thiếu đầu tư, còn các nhà sản xuất như Lybia, Kazakhstan, Ecuador vướng mắc về nguồn năng lượng phục vụ sản xuất.
Ông Jamie Ingram - Biên tập viên cấp cao của Tạp chí Khảo sát Kinh tế Trung Đông nhận định: "Chúng ta đang trong cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp khí đốt xảy ra từ nửa cuối năm 2021 với giá tăng lên mức lịch sử. Giá cả đã tăng vọt từ cuối năm trước trong khi các nhà sản xuất đều đang tìm kiếm lợi nhuận từ vấn đề này. Vì vậy, về cơ bản, nguồn cung đã bị cắt giảm tối đa".
Những căng thẳng địa chính trị thế giới cũng tác động không nhỏ đến thị trường dầu. Theo các chuyên gia, leo thang căng thẳng Nga - phương Tây có thể làm tăng giá khí đốt một cách đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng giá nhiên liệu tại châu Âu, trong khi giá dầu cũng sẽ bị ảnh hưởng một cách gián tiếp. Còn những biến động địa chính trị tại Trung Đông, Trung Á như tình hình tại Kazakhstan, Lybia hay bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran cũng có thể khiến giá dầu tăng cao. Với diễn biến hiện tại, các nhà phân tích dự báo giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Giá dầu tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC hay OPEC+
Dưới góc nhìn từ giới quan sát tại Trung Đông, giá dầu những ngày qua tương đối ổn định, xung quanh ngưỡng 90 USD/thùng, hoàn toàn là nhờ những kỳ vọng vào khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc. Nếu được thì Iran sẽ có thể ồ ạt cung dầu vào thị trường, ước tính tầm 2,5 triệu thùng/ngày, nhưng còn nếu không thì mọi sự sẽ trở nên khá khó khăn. Khó khăn bởi tình thế hiện nay có vẻ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính OPEC hay OPEC+.
Các nước OPEC+ thời gian qua đã nhất trí cứ mỗi tháng sẽ nâng mức sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày, nhưng thực tế OPEC+ những tháng qua đều không đạt mức tăng sản lượng như đã đề ra. Cộng dồn lại mấy tháng, mức sản lượng dầu được OPEC+ cung ra thị trường trong tháng 1 hiện còn thấp hơn kỳ vọng của chính cơ chế này tới 800 nghìn thùng/ngày. Nguyên nhân được lý giải là do đại dịch đã khiến một loạt các nước xuất khẩu dầu phải cắt giảm đầu tư. Các tính toán cho thấy, các nước xuất khẩu dầu phải đầu tư khoảng 600 tỷ USD/năm nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu dầu của thế giới. Nhưng tổng đầu tư vào ngành công nghiệp dầu và khí đốt năm 2021 chỉ còn ở mức 341 tỷ USD.
Khả năng gia tăng hơn nữa sản lượng của nhiều nước OPEC đã khó, nhưng chưa hết, còn có thêm một vấn đề là tình hình Libya, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn lại đang ngày càng rối ren chính trị. Như thời gian qua là ba nước vốn được xem xuất khẩu dầu thuộc top đầu là Iraq, Venezuela và Lybia đều bị tụt sản lượng. Vậy nên hy vọng hiện nay chỉ đặt vào Iran. Nếu không có được những kết quả tốt đẹp từ cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra tại Vienna, nếu Iran tiếp tục bị các lệnh cấm vận của Mỹ buộc đứng ngoài thị trường, giá dầu sẽ khó có chuyện quay đầu từ nay đến cuối năm.
Giá dầu năm 2022 tiếp tục tăng là dự báo chủ đạo
Nhiều tổ chức uy tín như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ ra rằng, nhu cầu dầu thế giới sẽ vượt mức tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày trước đại dịch trong năm nay, do tác động của biến thể Omicron đến nhu cầu đi lại không quá nhiều như những dự báo trong năm 2021. Trong khi nguồn cung dầu, các vấn đề từ sự cố đường ống như tại Ecuador, hay việc các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất thiếu dầu so với hạn ngạch đề ra do các bất ổn nội bộ, đều tạo động lực khiến giá tăng mạnh. Chưa kể đến các vấn đề địa chính trị căng thẳng chưa thấy điểm dừng. Một số kịch bản giá năm nay đã được nhiều định chế tài chính đưa ra, và giá tiếp tục tăng là dự báo chủ đạo.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100 triệu thùng dầu/ngày, cơ bản phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Một số dự báo còn lạc quan hơn khi cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm nay sẽ đạt kỷ lục mới, vì vậy giá dầu thô sẽ tăng ổn định.
Theo ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành Công ty xăng dầu và khí đốt tự nhiên Saudi Arabia: "Nếu nhìn vào thị trường, nhu cầu của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn mức trước đại dịch. Châu Á nói chung đang ở rất gần mức độ trước đại dịch, chúng tôi kỳ vọng các nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn và chúng tôi sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu hơn. Vì vậy, chúng tôi rất lạc quan về nhu cầu dầu trong tương lai".
Nhu cầu là vậy nhưng nguồn cung được cho là không theo kịp cầu. Năng lực cung cấp dầu thô của ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, Mỹ và Nga không thể bù đắp chênh lệch cung - cầu.
Đầu tiên là OPEC. Đến cuối năm nay, sản lượng của khối ước tính vào khoảng 5,11 triệu thùng/ngày, vẫn còn xa mức 9 triệu thùng/ngày vào quý I/2021. Nhà sản xuất lớn thứ hai là Mỹ. Sản lượng dầu thô và dầu đá phiến của Mỹ đang phục hồi, tuy nhiên rất khó quay trở lại mức cao trước đây. Lý do là chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải, do đó kiềm chế sự phát triển của dầu mỏ và khí tự nhiên trong thời gian tới.
Nhà sản xuất lớn thứ ba là Nga. Bộ Năng lượng nước này cho biết cố gắng đến tháng 5/2022 sẽ nâng sản lượng dầu thô của Nga lên mức 11,33 triệu thùng/ngày, cơ bản không còn dư địa để tăng sản lượng. Sự ổn định của thị trường vàng đen còn bị chi phối bởi các tác động địa chính trị. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong những tuần gần đây. Giới chuyên gia dự đoán rằng giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng nếu căng thẳng leo thang thành chiến sự.
Bà Natasha Kaneva - Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu, Ngân hàng J.P. Morgan cho biết: "Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự phòng thấp ở các khu vực khác có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng. Nếu lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm một nửa, thì giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 150 USD/thùng".
Một vấn đề không thể xem nhẹ là kết quả đàm phán vấn đề hạt nhân Iran. Nếu Mỹ chấp nhận gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt, Iran, nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới, có thể cung ứng cho thị trường 700.000 thùng dầu/ngày, khi đó giá dầu sẽ giảm 10%.
Giá năng lượng cao khiến tình trạng lạm phát tại Mỹ thêm trầm trọng
Bên cạnh vai trò là cung cấp nhiên liệu cho giao thông, dầu thô còn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp cũng như nguồn năng lượng chính cho các hoạt động kinh tế. Giá dầu vượt ngưỡng hơn 90 USD/thùng, cao nhất trong vòng 8 năm qua. Nhu cầu năng lượng tăng, trong khi giá cao đang tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới.
Giá dầu tăng vọt đẩy giá xăng lên cao chưa từng thấy. Ngày 12/1, giá xăng trung bình tại Mỹ đạt 3,48 USD/gallon, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. California, vốn đánh thuế cao mặt hàng xăng dầu, giá tăng ở mức gần 4,69 USD/gallon.
Ông Arman - Người dân Mỹ: "Đó thực sự là vấn đề lớn, bởi giá xăng bây giờ là hơn 4 USD. Nếu ai đó kiếm được 10 USD mỗi giờ thì đó là một khó khăn để đổ đầy bình xăng. Giá xăng tăng từng ngày, thậm chí các loại hàng hóa khác đều tăng chóng mặt".
Giá năng lượng tăng cao khiến tình trạng lạm phát tại Mỹ càng thêm trầm trọng. Số liệu Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Mỹ trong tháng 1 tiếp tục tăng ở mức 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Nhà Trắng cho biết, sẽ áp dụng nhiều giải pháp để hạ giá xăng dầu và đưa lạm phát về an toàn.
Chính phủ Mỹ đang làm việc với các nhà sản xuất và nước tiêu thụ dầu để tìm cách hạ nhiệt giá dầu, trong đó có đề nghị các nước OPEC tăng sản lượng khai thác. Chính quyền Biden trước đó đã đưa ra kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Song chừng đó dường như là không đủ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Áp lực lạm phát và giá năng lượng tăng cao buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED có thể sớm tăng lãi suất trong tháng 3 tới sau gần 2 năm giữ mức lãi suất gần bằng 0.
Giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang VTV.vn - Giới chuyên gia dự đoán rằng giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang thành một cuộc chiến quân sự. | Nhật Bản trợ giá xăng dầu để bình ổn thị trường VTV.vn - Do yếu tố bất ổn của nguồn cung, giá xăng dầu tại Nhật Bản đã tăng cao kỷ lục buộc Chính phủ phải thực hiện chương trình trợ giá xăng dầu để bình ổn thị trường. | Mỹ nghiên cứu phương án hạ nhiệt giá dầu VTV.vn - Theo thông tin mới nhất từ Chính phủ Mỹ, nước này đang đàm phán với các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới để tìm cách hạ nhiệt thị trường năng lượng. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.18955839031202202-oad-uhc-oab-ud-al-gnat-cut-peit-2202-man-uad-aig/ioig-eht/nv.vtv