Truyền hình OTT đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Diễn đàn Tìm chỗ đứng cho OTT Việt đăng tải thông tin liên quan về quy định quản lý ở một số nước, nhằm cung cấp thêm cái nhìn toàn cảnh trong việc quản lý các nền tảng giải trí trực tuyến (đặc biệt là phim ảnh) đang rất phổ biến này.
* Singapore
Singapore có Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA), buộc các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông phải có giấy phép.
Trong đó, các nhà cung cấp dịch OTT phải đảm bảo phân loại, xếp hạng nội dung phim và có danh sách chi tiết những nội dung bị cấm. Nếu vi phạm, IMDA có thể buộc gỡ nội dung và phạt đơn vị cung cấp.
Ngoài việc bắt buộc phải có cảnh báo cho người xem về nội dung chứa các yếu tố như bạo lực, khỏa thân, tình dục, ngôn ngữ, ma túy, kinh dị…, bộ quy tắc cũng bao gồm những điều mà đơn vị cung cấp OTT nên và không nên làm, áp dụng cho cả các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Singapore.
Nói cách khác, tất cả chương trình trên nền tảng OTT phải tuân thủ luật hiện hành của Singapore, trong đó có chi tiết yêu cầu "đảm bảo yếu tố cân bằng giữa các quan điểm trong tin tức và sự kiện thời sự".
* Ấn Độ
Từ đầu năm 2021 chính phủ Ấn Độ công bố các quy định mới nhằm quản lý nội dung kỹ thuật số, bao gồm bộ quy tắc đạo đức và khuôn khổ giải quyết khiếu nại đối với các trang web tin tức và nền tảng cung cấp nội dung trực tuyến qua Internet như Netflix, Amazon…
Bộ quy định giám sát nghiêm ngặt những nội dung ảnh hưởng đến "chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ", những nội dung đe dọa an ninh quốc gia và gây phương hại đến quan hệ hữu nghị của Ấn Độ với nước ngoài.
Các nền tảng cũng được yêu cầu xem xét bối cảnh đa chủng tộc và đa tôn giáo của Ấn Độ và thận trọng khi phát nội dung về các hoạt động, tín ngưỡng, thực hành hoặc quan điểm của bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo nào.
Chính quyền có quyền yêu cầu chặn truy cập bất kỳ nội dung nào, trong trường hợp thấy "cần thiết hoặc có lý do chính đáng".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Prakash Javadekar cho biết, các nền tảng OTT và phương tiện truyền thông kỹ thuật số sẽ phải tiết lộ thông tin chi tiết về nền tảng, khu vực hoạt động, số lượng người đăng ký…, đồng thời phân loại nội dung thành năm danh mục dựa trên độ tuổi: U (Phổ thông), U / A 7+, U / A 13+, U / A 16+ và A (Người lớn).
Nội dung được phân loại U / A 13+ trở lên sẽ cần sự cho phép của phụ huynh mới có thể xem và nội dung loại A sẽ cần xác minh độ tuổi chính xác trước khi xem.
* Indonesia
Indonesia là nước có luật chống nội dung khiêu dâm rất nghiêm ngặt. Nước này yêu cầu các nền tảng nội dung Internet phải cắt bỏ mọi hình thức khỏa thân.
Telekom Indonesia, tập đoàn viễn thông do nhà nước điều hành, đã chặn Netflix từ năm 2016 với lý do nền tảng này không tuân thủ các quy định, vì có nội dung khiêu dâm và bạo lực.
Tuy nhiên, Netflix đã hợp tác với các đơn vị viễn thông khác của Indonesia như XL Axiata hay Hutchinson 3 để cung cấp dịch vụ trong nước.
* Saudi Arabia và Trung Quốc
Hai thị trường được kiểm soát cao khác là Saudi Arabia và Trung Quốc. Đầu năm 2019, Netflix đã buộc phải gỡ một tập của chương trình hài kịch Patriot Act, trong đó người dẫn chương trình chỉ trích thái tử Saudi Arabia. Các nhà chức trách nước này cho rằng chương trình đã vi phạm luật chống tội phạm mạng của họ.
Ở Trung Quốc, các nền tảng như Netflix và Amazon Prime đều bị cấm. Sân chơi nội địa dành cho doanh nghiệp trong nước như Tencent Video và Youku.
Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc có quy định hạn chế số lượng nội dung nước ngoài phát sóng.
* Úc
Ở Úc, nội dung OTT chịu sự chi phối của Đạo luật Dịch vụ Phát thanh Truyền hình có từ năm 1992, bao gồm các hướng dẫn chi tiết, cơ chế khiếu nại và các nội dung bị cấm.
* Châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) chưa có quy định quản lý OTT cụ thể nhưng đã có nhiều cảnh báo về tác hại của các nội dung "bất hợp pháp và có hại" trên Internet, bao gồm nội dung như "hướng dẫn chế tạo bom, bào chế ma túy hay các hoạt động khủng bố".
Đây đều là những nội dung có ảnh hưởng không tốt đến trẻ vị thành niên và đã có nhiều khuyến nghị yêu cầu siết nội dung trực tuyến.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"
Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, nhất là phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem.
Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".
Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...
TTO - Bên cạnh ý kiến đóng góp để các sản phẩm OTT (giải trí trực tuyến mà chủ yếu là phim ảnh) Việt ngày càng vững mạnh, câu chuyện làm thế nào để OTT Việt vươn ra thị trường quốc tế cũng được nhiều bạn đọc quan tâm, góp ý.