Với việc Chính phủ Mỹ hôm 11/2 báo cáo lạm phát tiêu dùng ở mức 7,5% trong cả năm qua - ngưỡng cao nhất trong 40 năm, khả năng các doanh nghiệp phải tăng giá cả là không thể tránh khỏi.
Một số người chỉ ra rằng những vấn đề trong chuỗi cung ứng – một yếu tố lớn khiến lạm phát "leo thang" kể từ cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể bắt đầu giảm bớt trong những tháng tới. Khi đó, lạm phát có thể sẽ được điều chỉnh phần nào.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra rằng những yếu tố quan trọng khác khiến giá cả tăng vọt - gồm chi phí tiền lương cao hơn, thiếu nguồn cung linh liện, giá mặt bằng tăng, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ - có thể sẽ không sớm phai nhạt. Chúng khiến việc xác định thời điểm và tốc độ suy yếu của lạm phát rất khó khăn.
* "Vòng xoáy" tăng giá
Việc tăng lương, mặc dù có lợi cho người lao động, đã khiến nhiều chuỗi nhà hàng và cửa hàng bán lẻ khác, từ Starbucks, Amazon đến Chipotle, phải chuyển sang thu phí khách hàng nhiều hơn. Khi Amazon thông báo vào tuần trước rằng họ sẽ tăng phí dịch vụ đăng ký thành viên Prime của mình từ 119 lên 139 USD/năm; điều đó cho thấy chi phí nhân công và vận chuyển đã tăng lên.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng lưu ý việc tăng giá thuê căn hộ có thể sẽ giúp giữ lạm phát tăng ít nhất cho đến cuối năm nay. Giá cả tăng cao cũng đang diễn ra từ các ngành chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19 như ô tô sang nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn, như đồ điện tử, quần áo đến vé máy bay. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy lạm phát cao sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch.
Ông Neil Dutta, một nhà kinh tế học tại công ty tư vấn tài chính Renaissance Macro, lưu ý rằng ngay cả khi loại trừ một số danh mục tăng giá nhanh nhất trong đại dịch (như thực phẩm, năng lượng, nhà ở và ô tô đã qua sử dụng) khỏi chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ, giá vẫn tăng mạnh 0,7% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022. Con số này thậm chí còn cao hơn mức tăng 0,6% của giá tiêu dùng nói chung, một minh họa rõ ràng về mức độ tăng giá trên diện rộng.
Đáng chú ý là nhiều tập đoàn lớn cho hay ngay cả sau khi họ tăng giá bán, khách hàng vẫn tiếp tục chọn mua sản phẩm của họ. Ông John Culver, Giám đốc điều hành của chuỗi café Starbucks, cho biết hai đợt tăng giá của công ty vào năm ngoái chưa tạo ảnh hưởng đáng kể nào đối với nhu cầu. Ngược lại, công ty còn ghi nhận nhu cầu khách hàng tiếp tục tăng. Starbucks dự kiến còn kế hoạch tăng giá thêm trong năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng việc mức lương tăng và khoản tiết kiệm cao hơn nhờ các đợt hỗ trợ của Chính phủ Mỹ vào năm ngoái có thể đã giúp duy trì nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo thời gian, mức chi tiêu lớn và tiền lương cao có thể khiến giá cả tiếp tục tăng theo một vòng xoáy chưa thấy điểm dừng.
* Những dấu hiệu hạ nhiệt?
Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy các động lực thúc đẩy lạm phát có thể đang "giảm nhiệt" một chút.
Ông Adam Ozimek, nhà kinh tế trưởng tại trang môi giới việc làm tự do Upwork nói rằng, khi ngày càng nhiều người Mỹ nối loại hoạt động tìm kiếm việc làm khi đại dịch nhẹ dần, sự cạnh tranh về việc gia tăng có thể làm chậm tốc độ tăng lương. Tỷ lệ người Mỹ đang làm việc hoặc đang tìm việc đã tăng vọt trong tháng 1/2022, mặc dù con số đó vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Ngoài ra, giá ô tô cả mới và đã qua sử dụng - vốn là một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát nhiều nhất trong năm qua - đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Một báo cáo hôm thứ Năm tuần này cho thấy giá ô tô đã qua sử dụng trong tháng 1/2022 tăng gần 41% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi chi phí của một chiếc ô tô mới tăng 12,2% vào cùng giai đoạn. Tuy nhiên, khi so với tháng 12/2021, giá xe mới không đổi và giá xe cũ chỉ tăng 1,5% - thấp hơn rất nhiều so với những tháng trước đó.
Ông Kevin Roberts, Giám đốc phân tích ngành công nghiệp của nền tảng môi giới mua xe cargurus.com, cho biết điều này là nhờ nguồn cung ô tô đã qua sử dụng đang tăng lên, còn các nhà sản xuất ô tô đang bắt đầu tăng sản lượng. Theo ông Roberts, thị trường sẽ không quay trở lại mức giá trước đại dịch, nhưng một số ưu đãi về giá xe mới có thể xuất hiện khi các nhà sản xuất ô tô bắt đầu sản xuất lại mẫu giá thấp hơn.
* Con đường dài phía trước
Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng hoạt động chi tiêu sẽ chậm lại khi các chương trình kích thích của chính phủ hết hạn. Nhưng những dấu hiệu cho thấy điều đó chưa xuất hiện.
Ngân hàng Bank of America đầu tuần này cho biết, mức chi tiêu thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và nền tảng kỹ thuật số của họ trong tháng Một đã tăng trung bình 17% so với cùng tháng cách đây một năm. Con số này gần gấp đôi tốc độ trước khi đại dịch bùng phát và không chỉ phản ánh sự tăng giá hàng hóa dịch vụ, khi số lượng giao dịch cũng tăng 10% vào cùng giai đoạn.
Ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành của Bank of America, gợi ý trong một cuộc phỏng vấn với báo giới rằng sự gia tăng chi tiêu phản ánh việc tiền lương đã tăng lên, thay vì người Mỹ chấp nhận thêm nợ. Và ngay cả khi đã chi tiêu nhiều như vậy, tài khoản ngân hàng của họ vẫn tăng trong năm qua.
Bên cạnh đó, việc giá cho thuê căn hộ vẫn đi lên đã nổi lên như một nhân tố chính góp phần đẩy lạm phát "phi mã". Giá thuê trung bình trong tháng Một đã tăng 0,5% theo tháng, mức tăng lớn nhất trong 20 năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều người Mỹ đã quay trở lại các đô thị, sau khi một số người rời đi vào những tháng đầu của đại dịch. Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Liên hợp Harvard, tỷ lệ trống trong căn hộ đã đạt mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Đáng chú ý là với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, nhiều người trẻ tuổi được cho là sẽ ra ở riêng và càng làm tăng nhu cầu về căn hộ.
Khi giá nhà cao, những người Mỹ có thu nhập cao hơn cũng chuyển sang thuê nhà, từ đó tạo điều kiện cho chủ nhà tính giá thuê cao hơn. Nghiên cứu của Harvard cho thấy giá cho thuê căn hộ mới vào mùa Thu năm ngoái đã tăng gần 11% so với cùng giai đoạn năm 2020. Mức tăng đó sẽ cần thời gian để được thể hiện qua các số liệu lạm phát, vì nó bao gồm tất cả loại chi phí thuê nhà bao gồm cả phí gia hạn.
Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương vẫn khá cao theo một số biện pháp tính toán. Tuần trước, báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ cho biết, mức lương trung bình theo giờ trong tháng Một đã tăng 5,7% theo năm, cũng cao hơn mức tăng 5,3% ghi nhận vào tháng 1/2021. Điều này sẽ duy trì áp lực đối với các công ty cả lớn và nhỏ, buộc họ phải bù đắp mức tăng này thông qua hiệu suất lao động cao hơn hoặc tăng giá.
Với những thực tế và nêu trên, không có gì ngạc nhiên khi giới chuyên gia vẫn thận trọng về diễn biến tình hình lạm phát tại Mỹ.
Xem thêm: mth.98731710231202202-2202-man-gnort-ym-et-hnik-auc-hnid-naod-ohk-os-neib-tahp-mal/nv.zibmanteiv