Có những doanh nghiệp, cán bộ nhân sự, thậm chí là cả lãnh đạo doanh nghiệp như một công ty phụ liệu giày tại Bình Dương này đã trực tiếp ra đầu đường của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên để tuyển dụng 500 lao động với thu nhập từ 9,5-14 triệu đồng/người. Đây là trường hợp dù cá biệt nhưng cũng đủ để nói lên sức nóng của thị trường lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết với nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, nhất là lao động kỹ thuật.
Từ cuối năm trước, công ty Fujikin Việt Nam đã bắt đầu tuyển khoảng 100 lao động kỹ thuật cho các Bộ phận hàn công nghệ cao bán dẫn, thợ cơ khí... trình độ cao đẳng với thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số được tuyển dụng quá thấp nên trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, nhiều kỹ thuật viên phải làm xuyên Tết để chạy kịp đơn hàng.
Ông Yoshida Tsuneo, Tổng Giám đốc Công ty Fujikin Việt Nam, cho biết: "Các đơn hàng đã chốt đến hết năm nhưng việc tuyển dụng đúng và đủ người tương đối khó dù công ty đã kết nối với nhiều kênh việc làm và cả các trường nghề".
Dù hơn 400 nghìn lao động đã trở lại các khu công nghiệp nhưng hiện Bắc Ninh vẫn đang thiếu khoảng 25.000 lao động. Điều này đã được dự báo khi nhiều nhà máy tăng tốc sản xuất sau thời gian dài hoạt động chỉ từ 60-80% công suất vào năm trước và rất cần bổ sung nhân lực, đặc biệt là lao động qua đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Chúng tôi cần nhiều lao động kỹ thuật nhưng nguồn rất khó, kể cả trường nghề cũng không đáp ứng được. Chuyên gia nước ngoài thuê mãi thì phụ thuộc".
Khó nhất với các doanh nghiệp hiện nay là không thể tuyển đủ lao động kỹ thuật, nhất là các ngành điện tử, cơ khí…
TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Lao động có kỹ năng thì đại học chỉ chiếm 20% còn lại là lao động kỹ thuật. Nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn lớn".
Thị trường lao động năm nay có 1 điểm đặc biệt: đó là tình trạng "nhảy việc" như trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 gần như không xảy ra. Tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ năng là xu hướng mà các doanh nghiệp triển khai nhằm ổn định và thích ứng lâu dài với dịch COVID-19.
Trong năm nay, cả nước cần tuyển khoảng 700 nghìn lao động. Cùng với xu hướng tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao ngày càng tăng, kinh nghiệm cho thấy chỉ khi lực lượng lao động phi chính thức trở thành chính thức thì những chính sách an sinh mới đến được với người lao động và giữ cho nguồn lực quan trọng này được ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63611101231202202-man-uad-hnam-gnat-gnod-oal-gnud-neyut-uac-uhn/et-hnik/nv.vtv