Nếu quan sát một chút thanh thiếu niên hiện nay, bạn sẽ biết được rằng Facebook không còn được ưa chuộng như trước nữa. Dẫu vậy, Phố Wall vẫn dành cho Meta Platforms (sở hữu Facebook) sự tôn trọng tột bậc.
Trong nhiều năm, giá mục tiêu của các nhà phân tích liên tục đi lên, có lúc ẩn ý tỷ suất lợi nhuận hai chữ số. Ước tính tăng trưởng cho thấy nhà đầu tư không có gì cần lo lắng. Nhưng rồi bước ngoặt đến vào ngày 2/2/2022.
Vào ngày hôm đó, hai câu chuyện – về một công ty đánh mất sức hấp dẫn với người dùng trẻ và một gã khổng lồ công nghệ "chỉ biết tiến, không biết lùi" – đụng độ với nhau.
Meta báo cáo quý đầu tiên người dùng hoạt động hàng ngày suy giảm. Công ty đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những ứng dụng tạo video như TikTok. Cộng thêm tăng trưởng doanh thu giảm tốc nhanh hơn dự đoán của giới phân tích và kết quả là giá cổ phiếu Meta lao dốc 26% trong ngày 3/2, xóa sổ 251 tỷ USD khỏi vốn hóa công ty. Đây là mức suy giảm giá trị thị trường trong một ngày lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Làm thế nào mà hầu hết 62 nhà phân tích Facebook – những người dành cả đời mổ xẻ số liệu – lại không nhìn thấy trước một báo cáo đáng thất vọng như vậy? Câu hỏi này có thể trở thành bài học đáng nghiên cứu về việc nhà đầu tư bỏ lỡ điều gì khi nhìn vào dự báo đồng thuận của các chuyên gia.
Ông Marshall Front, Giám đốc đầu tư tại Front Barnett Associates chỉ ra: "Bạn không thể mù quáng đồng ý với bất kỳ ai có một mô hình tài chính và một cái mic để nói về doanh nghiệp. Bạn có thể phải trả giá đắt cho việc này. Nếu tất cả mọi người đều "khuyến nghị mua" một cổ phiếu thì đến khi nhà phân tích cuối cùng nâng triển vọng từ "nắm giữ" đến "khuyến nghị mua" thì thường đó là thời điểm thích hợp để bán bớt".
Doanh nghiệp càng lớn thì càng có nhiều nhà phân tích theo dõi, công bố phân tích, cập nhật khuyến nghị và gửi khách hàng các thông tin quan trọng khác.
Nhưng các nhà phân tích bên bán – thường làm việc cho các công ty môi giới chứng khoán – ít khi biết ngờ vực. Dữ liệu Bloomberg tổng hợp cho thấy chỉ khoảng 5% mọi khuyến nghị về cổ phiếu trong S&P 500 là "bán", còn "nắm giữ" là cách phổ biến hơn để bày tỏ nghi ngờ.
Việc đưa ra nhận định tiêu cực về Meta càng khó hơn vì cổ phiếu này luôn kết năm với giá cao hơn đầu năm kể từ khi IPO vào 2012, chỉ trừ một ngoại lệ.
Ông Stephen Weitzel, quản lý danh mục tại Reveille Wealth Management chỉ ra hai cạm bẫy tâm lý đối với nhà phân tích. Thứ nhất là ý tưởng rằng một cổ phiếu đã tăng cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên. Thứ hai là khi mọi người đều dự đoán "khuyến nghị mua" thì sẽ an toàn hơn nếu tư vấn cho khách điều tương tự.
"Facebook là một trong những con cưng của Phố Wall, và không ai muốn đứng dậy và nói rằng có điều gì đó đã thay đổi. Vì sao một người lại đi theo đám đông? Vì việc chống lại khó hơn nhiều", ông Weitzel nói.
Trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh, có đến 84% nhà phân tích theo dõi Meta ra khuyến nghị mua, biến Meta trở thành một trong những cái tên được kỳ vọng tích cực nhất trong số các doanh nghiệp có số người theo dõi tương tự. Chỉ có hai nhà phân tích - đều ở châu Âu – khuyên bán.
Các nhà đầu tư có thể cũng đã quá chủ quan về Meta. Trong vài năm qua, nhiều người coi các gã khổng lồ công nghệ như một. Diễn biến trái ngược giữa Meta với Apple và Amazon là lời nhắc nhở rằng mỗi công ty có vấn đề riêng.
Các nhà phân tích theo dõi Meta đã đánh giá quá thấp hai rắc rối lớn. Thay đổi trong chính sách của Apple khiến Meta khó hiển thị quảng cáo đúng đối tượng. Meta cho biết việc này sẽ khiến doanh thu năm 2022 sụt giảm 10 tỷ USD, tương đương 8,5% doanh thu cả năm 2021.
Vấn đề khác là tăng trưởng người dùng Facebook. Tháng 10 năm ngoái, một cựu nhân viên đã tiết lộ hàng trăm tài liệu nội bộ. Một số cho thấy số lượng thanh niên đăng ký tài khoản đang trượt dốc và người trẻ tham gia Facebook chậm hơn nhiều so với trước đây.
Ông James Angel, Giáo sư tài chính tại Trường kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown chỉ ra rằng ngoài yếu tố tâm lý, rủi ro phá hoại mối quan hệ làm ăn khiến giới phân tích trở nên ngại hoài nghi. Nhà phân tích tiêu cực có thể đánh mất liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp, khiến công việc khó khăn hơn.
Và việc của nhà phân tích cũng không chỉ xoay quanh mổ xẻ số liệu. Nhà phân tích tạo ra giá trị cho công ty môi giới bằng cách giúp tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và khách hàng lớn.
"Doanh nghiệp sẽ không muốn hợp tác với những nhà phân tích phán rằng cổ phiếu của họ bị định giá quá cao", ông Angel nói.
Trong thời bong bóng công nghệ, mối quan hệ giữa nhà phân tích và doanh nghiệp đã trở nên quá bền chặt. Cơ quan quản lý đã cấm một số nhà phân tích khỏi ngành với cáo buộc thổi phồng doanh nghiệp và siết chặt quy định cho ngành nghiên cứu.
Giám đốc đầu tư Front tại Front Barnett Associates chỉ ra rằng sự trỗi dậy của đầu tư theo chỉ số và theo thuật toán cũng góp phần khiến các quy luật của cuộc chơi thay đổi. Khi đầu tư chủ yếu xoay quanh chọn các cổ phiếu đơn lẻ, nhu cầu dành cho nghiên cứu chuyên sâu của bên bán và danh giá của nhà phân tích thuộc công ty môi giới cũng cao hơn.
Ông Front, người gia nhập Phố Wall vào năm 1963, nhớ rằng Phố Wall từng biết rõ tên tuổi của một số nhà phân tích hàng đầu. "Bản chất của thị trường chứng khoán đã thay đổi, bản chất của công việc phân tích cũng vậy. Trong quá khứ, nhà phân tích bên bán là các ông hoàng, nhưng thời thế đã thay đổi".
Xem thêm: mth.22692938041202202-koobecaf-ueihp-oc-ev-gnauq-um-ued-llaw-ohp-aig-neyuhc-cac-oas-iv/nv.zibmanteiv