Hầu hết những gia đình Châu Á truyền thống luôn đánh giá cao việc học hành của con cái và việc theo đuổi những “nghề nghiệp an toàn” như luật sư, bác sĩ luôn nằm trong sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ. Nhiều người trong chúng ta lớn lên phải đối mặt với vô số khoảnh khắc bị cha mẹ so sánh với “con nhà người ta” - những đứa trẻ giỏi giang hơn.
Tuy nhiên “con nhà người ta” lại hoàn toàn có thật, anh là một người Mỹ gốc Hàn có tên Jonny Kim - Trung úy Hải quân Hoa Kỳ, cựu Navy SEAL và người Mỹ gốc Hàn thuộc thế hệ đầu tiên lấy bằng y khoa Harvard, và hiện tại là phi hành gia của NASA.
Có thể nói, Kim là hình ảnh mẫu mực của “con nhà người ta”. Anh là đứa con mà gần như tất cả các bậc cha mẹ Châu Á đều ao ước.
Cha mẹ của Jonny Kim nhập cư Mỹ vào đầu những năm 1980, anh sinh ra ở Los Angeles vào năm 1984 với một nền giáo dục mà theo anh là “khuôn mẫu hết sức có thể”.
Mẹ anh làm giáo viên dạy thay bán thời gian của một trường tiểu học, trong khi bố anh sở hữu một cửa hàng rượu ở Nam Trung tâm Los Angeles, nơi cả gia đình đã trải qua những ảnh hưởng của cuộc bạo loạn Los Angeles năm 1992.
Đối với nhiều đứa trẻ trong những gia đình người nhập cư Châu Á, giáo dục, định hướng tương lai luôn là một vấn đề vô cùng căng thẳng khi ở nhà, và gia đình Kim cũng không khác.
“Tôi luôn phải nghe bố mẹ nói rằng mình cần trở thành luật sư hoặc bác sĩ”, Kim nói. “Tôi cảm thấy hầu như tất cả các bậc cha mẹ nhập cư Châu Á đều nghĩ rằng học hành là con đường duy nhất để có thể thành công, cũng như đảm bảo kinh tế cho con cái họ trong tương lai”.
Kim cho biết anh là một đứa trẻ nhút nhát và gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kết bạn ở trường trung học. Tuy nhiên anh lại nhận được điểm cao trong các lớp học của mình, và dường như đang đi đúng hướng để theo học một trường đại học sau khi tốt nghiệp trung học.
"Tôi thực sự là một đứa trẻ thiếu tự tin", Kim nói. "Tôi đã có bạn khi chơi thể thao - tôi chơi bóng nước và bơi lội. Nhưng thực chất, tôi thực sự sợ hãi khi nói chuyện với mọi người, kết bạn và tạo mối quan hệ mới".
Nhưng khi Kim và các bạn cùng lứa tuổi đủ lớn để nghĩ về việc học đại học, anh lại cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ rằng bản thân phải làm một điều gì đó khác biệt.
“Tôi cảm thấy rằng mình phải làm một điều gì đó khác biệt. Tôi không nghĩ đại học là điều phù hợp với tôi”.
Năm 16 tuổi, Kim phát hiện ra Navy SEAL (Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Hoa Kỳ), một trong những lực lượng tinh nhuệ được đào tạo bài bản nhất trong quân đội Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm cho nhiều nhiệm vụ tuyệt mật khác nhau trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, không phải các nhiệm vụ chiến đấu bí mật và đầy hành động đã khiến Kim hoàn toàn không quan tâm đến việc học đại học, vì anh cảm thấy rằng mình có một mục đích sâu sắc hơn.
“Tham gia vào một nhóm chiến binh ưu tú đã làm những việc rất chăm chỉ vì nghĩa vụ và không bao giờ tìm kiếm sự công nhận là điều hấp dẫn tôi”, anh nói. "Tôi đã thi SAT theo yêu cầu của mẹ, nhưng đã không nộp đơn vào bất kỳ trường học nào".
Từ đó, Kim phải chuẩn bị tâm lý để báo tin cho bố mẹ. Mặc dù đây có vẻ không phải là vấn đề lớn đối với những người khác, nhưng vứt bỏ thành tích học tập tốt và không học đại học để tham gia quân đội lại không phải là điều mà hầu hết các bậc cha mẹ nhập cư Châu Á muốn nghe.
“Tôi chỉ nhớ trong những năm niên thiếu đó, tôi đã nhiều lần thức trắng đêm tự hỏi và nghĩ về việc phải trò chuyện với bố mẹ như thế nào”, Kim nói. Anh hiểu những lo lắng của cha mẹ mình và cho rằng có thể đó là do sự khác biệt về văn hóa - Một số bậc cha mẹ, đặc biệt là những người nhập cư vào Mỹ trong hoàn cảnh khó khăn, có thể nghĩ rằng sự hy sinh của họ sẽ vô ích, nếu con cái của họ nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp trung học.
Đáng buồn thay, Kim không bao giờ có cuộc trò chuyện với bố của mình vì ông đã đột ngột qua đời năm anh 18 tuổi.
“Khi tôi báo tin cho mẹ, bà đã khóc”, Kim nói. “Mẹ nói: 'con là một người thông minh, tại sao con lại muốn làm như vậy?' Bất chấp những gì mẹ tôi mong ước ở tôi, tôi vẫn muốn trở thành một người lính Hải quân và không ai có thể thay đổi quyết định của tôi”.
Năm 2002, Kim chính thức nhập ngũ vào Hải quân, và khi hỏi về việc tham gia vào Navy SEAL, anh mới biết được rằng chỉ có một cơ hội duy nhất để chứng tỏ bản thân.
Trong khi các phương tiện truyền thông có xu hướng tập trung vào vẻ hào nhoáng của những nhiệm vụ cấp cao của quân đội, thì việc trở thành một Navy SEAL là vô cùng khó khăn. Một bài báo năm 2011 của NBC cho biết rằng chỉ có 25-35% những người tham gia khóa huấn luyện SEAL hoàn thành khóa huấn luyện Basic Underwater Demolition, còn được gọi là BUD/S.
Theo NBC, chỉ những nam giới từ 17 - 28 tuổi với thị lực tốt và lý lịch trong sạch mới đủ điều kiện đăng ký vào khóa huấn luyện này. Ngoài ra, các ứng viên cần phải vượt qua kỳ kiểm tra thể chất, tinh thần và trí thông minh trước khi đào tạo. Sau sáu tháng, các ứng cử viên cần phải chạy được bốn dặm trong thời gian dưới 31 phút, bơi 1.000 mét trong 20 phút và thực hiện ít nhất 70 lần chống đẩy trong hai phút.
Cuối cùng, trong “Tuần lễ địa ngục” (Hell Week), các ứng viên được yêu cầu tập luyện 20 giờ một ngày và chạy hơn 200 dặm (322 km), trong khi chỉ ngủ tổng cộng bốn giờ trong năm ngày rưỡi. Và đây cũng chính là thời điểm Kim gần như bỏ cuộc.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Kim trở thành thành viên của SEAL Team 3 với hai lần được triển khai đến Trung Đông với tư cách là y sĩ chiến đấu, lính bắn tỉa, hoa tiêu và lính chỉ điểm. Và thực sự những nhiệm vụ này còn khó khăn hơn cả việc trở thành một Navy SEAL, tất cả các khóa huấn luyện vẫn còn rất xa so với thực tế.
“Chúng chẳng là gì khi so với chiến tranh”, Kim nói. “Lý do tại sao việc huấn luyện lại khó khăn như vậy là vì bạn cần cố gắng hết sức để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ - sự tàn khốc và đau khổ của chiến tranh, thực sự không có cách nào để chuẩn bị trước cho điều đó”.
“Phải chiến đấu cho cuộc sống của bạn và cho cuộc sống của bạn bè của bạn, đặt mạng sống của bạn vào tay họ và họ đặt cuộc sống của họ vào tay bạn - nhìn bạn bè của bạn bị giết, nói lời tạm biệt cuối cùng, trao nụ hôn cuối cùng cho những người mà bạn yêu quý, nó thực sự khó khăn hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì mà tôi đã từng tập luyện để chuẩn bị cho mình”, anh ấy nói thêm.
Năm 2006, khi đang làm công việc cứu thương ở Ramadi, Iraq, hai người bạn thân của anh đã bị bắn chết. "Anh ấy có một vết thương khá nghiêm trọng trên mặt", Kim nói với tờ The Harvard Gazette vào năm 2017. “ Đó là một trong những cảm giác bất lực tồi tệ nhất. Tôi không thể làm gì nhiều. Anh ấy cần một bác sĩ phẫu thuật. Anh ấy cần một bác sĩ và cuối cùng tôi đã tìm được, nhưng… cảm giác bất lực đó rất sâu sắc đối với tôi".
Kim đã hoàn thành hơn 100 nhiệm vụ chiến đấu ở Trung Đông, được trao Huân chương Sao Bạc (Silver Star Medal), Huy chương Sao Đồng (với Chiến đấu "V" ), Huân chương Tuyên dương của Hải quân và Thủy quân lục chiến (với Chiến đấu "V") và Ruy băng Hành động Chiến đấu. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những gì đã đạt được, cảm giác bất lực đó đã ăn sâu vào đầu Kim mãi mãi, sự ám ảnh này đã thôi thúc anh trở thành một bác sĩ.
Năm 2009, Kim đăng ký học đại học tại Đại học San Diego, lấy bằng cử nhân toán trong ba năm. Năm 2012, anh đăng ký vào trường Y Harvard để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.
“Tôi chọn trở thành một bác sĩ vì tôi đã hứa với những người bạn đã thiệt mạng khi phục vụ trong quân đội rằng tôi sẽ sống phần đời còn lại của mình để phục vụ và đóng góp tích cực cho thế giới của chúng ta”, Kim chia sẻ.
Trong thời gian học y khoa, Kim có cơ hội gặp gỡ Scott E. Parazynski, một phi hành gia và nhà vật lý người Mỹ, người đã hoàn thành năm chuyến bay của Tàu con thoi và bảy chuyến đi bộ ngoài không gian. Và chính Parazynski là người đã truyền cảm hứng cho Kim trở thành một phi hành gia.
Kim tốt nghiệp trường y năm 2016 và ứng tuyển vào lớp phi hành gia của NASA cùng năm. Một năm sau khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, anh nhận được cuộc gọi thông báo rằng anh đã được chấp nhận vào chương trình phi hành gia khi đang đi mua hàng tạp hóa.
“Tôi nghĩ tim mình đập 100 nhịp một giây và tôi đã cố gắng không để mất bình tĩnh khi ở giữa cửa hàng tạp hóa”, Kim nói trong một video quảng cáo của NASA. “Nhưng khi tôi nhận được tin và cúp máy, tôi đã chạy đến chỗ vợ tôi, nhảy cẫng lên và nói với cô ấy rằng tôi đã được NASA chấp nhận”.
Kim sau đó đã dành hai năm tiếp theo để trải qua một đợt huấn luyện khác về tinh thần và thể chất với NASA. Các phi hành gia được yêu cầu học nhiều kỹ năng khác nhau, bao gồm cách đi bộ ngoài không gian, vận hành robot, lái máy bay, thông thạo tiếng Nga, vận hành trên Trạm vũ trụ quốc tế và nhiều kỹ năng sinh tồn khác.
Kể từ ngày 13 tháng 1 năm 2020, Jonny Kim tốt nghiệp chương trình phi hành gia và chính thức là Phi hành gia NASA người Mỹ gốc Hàn đầu tiên.
Theo lời khuyên dành cho những người muốn thành công như Jonny Kim, anh ấy nhấn mạnh vào việc “hãy thực sự trung thực với bản thân về những gì bạn muốn làm và làm theo nó”. “Tôi nghĩ điều quan trọng là tôi hạnh phúc khi làm những gì mình muốn”, anh nói. “Không ai hoàn thành những mục tiêu rất lớn này trong một bước. Tôi nghĩ những người trẻ tuổi phải hiểu rằng họ sẽ vấp ngã và gặp thất bại, nhưng điều quan trọng là họ phải đứng dậy mỗi lần vấp ngã, học hỏi từ những thất bại đó và tiếp tục bước tiếp”.
https://genk.vn/jonny-kim-chuan-con-nha-nguoi-ta-nguoi-dan-ong-ma-moi-ba-me-co-the-dem-ra-so-sanh-voi-ban-20220207022411553.chnTheo Đức Khương
Trí Thức Trẻ