Vào năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm để các tổ chức tín dụng tiếp tục là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Nhiều chuyển biến rõ rệt
Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, qua 5 năm thí điểm, các giải pháp nêu tại nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Thống kê từ các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31.5.2021 là 425,4 nghìn tỉ đồng; lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.5.2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tổng số nợ xấu xác định theo nghị quyết được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.5.2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017.
Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15.8.2017 đến 31.5.2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỉ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.
Cần tiếp tục nâng tầm
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh Nghị quyết 42 của Quốc hội đã mang lại những kết quả nội bật.
Cụ thể, nghị quyết này đã góp phần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho công tác xử lý nợ xấu. Sau khi Nghị quyết 42 đi vào triển khai, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao… đã được ban hành giúp các quy định mới đi vào thực tiễn, có bước tiến lớn so với trước kia và đã tương đối hoàn thiện, tiệm cận thông lệ quốc tế hơn.
Đồng thời, Nghị quyết này đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp cũng như nhận thức về trách nhiệm của cơ quan liên quan như công an, tòa án, địa phương... đối với công tác xử lý nợ xấu. Những văn bản hướng dẫn thực thi Nghị quyết 42 dần được ban hành, phần nào thể hiện được nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Đặc biệt, nhận thức, thiện chí của bên vay trong việc giải quyết nợ xấu đã được tăng lên, góp phần đáng kể vào kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua. Các con số thống kê minh chứng rõ nét về ý thức trả nợ của khách hàng đã được nâng lên.
Từ những hiệu quả trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.
Bởi theo ông Lực, mặc dù mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu, song đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15.8.2017).
Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao.
"Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn" - chuyên gia Cấn Văn Lực cho hay.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng tốt nhất là nâng Nghị quyết này lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn.
Phía Ngân hàng Nhà nước nhận định, việc chỉ dừng lại ở Nghị quyết thí điểm đã dẫn tới tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan. Từ đó, cơ quan này cũng như các tổ chức tín dụng đồng tình đề xuất nâng Nghị quyết 42 lên thành luật riêng về xử lý nợ xấu.
Xem thêm: odl.6404101-oas-ar-uax-on-yl-ux-auq-ueih-24-teyuq-ihgn-iahk-neirt-man-5/et-hnik/nv.gnodoal