Trong tuần này, 20 Bộ trưởng Tài chính của những nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp trực tuyến để thảo luận về áp lực lạm phát hậu đại dịch trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh. Vậy việc giá dầu tiến sát mốc 100 USD sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế nào mà mọi người lại sốt sắng đến như vậy?
Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy nếu giá dầu đạt 100 USD trong tháng này thì lạm phát ở Mỹ và Châu Âu sẽ tăng nửa điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.
Tồi tệ hơn, JP Morgan Chase thì cảnh báo giá dầu sẽ lên mức 150 USD/thùng nếu Nga giảm một nửa sản lượng. Mức giá cao kỷ lục trong lịch sử này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống gần 0% và đẩy lạm phát bình quân thế giới vượt 7%. Con số này cao gấp 3 lần so với mức lạm phát mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách để có thể tăng trưởng ổn định hậu đại dịch.
Giá dầu hiện nay đã cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước do nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại cùng với xung đột leo thang ở Ukraine.
Xin được nhắc là các nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá, khí đốt đang chiếm hơn 80% nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế. Bởi vậy theo hãng tư vấn Gavekal Research, giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay cũng đắt hơn bình quân 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, nguồn năng lượng tăng giá sẽ bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đẩy chi phí vận chuyển cũng như làm trễ thời gian giao hàng. Các nhà máy sản xuất sẽ phải tăng giá để bù đắp chi phí điện năng.
Giám đốc Vivian Lau của hãng logistics Pacific Air Holding nhận định nhiều khách hàng của họ đang theo dõi chặt chẽ giá dầu để điều chỉnh giá hàng hóa cho phù hợp.
Những kịch bản tồi tệ
Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán giá dầu 100 USD/thùng sẽ khiến lạm phát tại các nước đang phát triển tăng mạnh. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì cho rằng chỉ số giá tiêu dùng của nước phát triển sẽ tằn bình quân 3,9% trong năm nay, nền kinh tế mới nổi là 2,3% còn các nước đang phát triển sẽ là 5,9%.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc vốn được lợi từ lạm phát khi xuất khẩu chủ lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu trong mùa dịch cũng đang phải đắn đo. Quốc gia này là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và giá dầu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào đi lên, đó là chưa kể đến rủi ro thiếu điện năng cho sản xuất.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng lên mức cao nhất 40 năm qua đang khiến nhà đầu tư hối thúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần thứ 7 trong 1 năm qua, mức nhanh hơn nhiều so với những dự đoán trước đó.
Đồng quan điểm, Thống đốc Andrew Bailey của Ngân hàng trung ương Anh mới đây đã phải điều chỉnh quan điểm nâng lãi suất với lý do "áp lực từ thị trường năng lượng". Chủ tịch Christine Lagarde của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng có phát biểu tương tự.
Trái với những lần khủng hoảng dầu mỏ trước, nền kinh tế thế giới giờ đây quá yếu ớt và chưa chuẩn bị sẵn sàng cho bối cảnh lạm phát phi mã. Đại dịch Covid-19 đã khiến tiết kiệm hộ gia đình bị xói mòn còn thị trường lao động thì lao đao.
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics ước tính với mỗi 10 USD tăng giá dầu, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ mất 0,1 điểm phần trăm trong năm tới.
Tất nhiên, có người buồn thì phải có người vui. Với những nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), giá dầu tăng đồng nghĩa thu ngân sách đi lên. Nhiều ước tính cho thấy Nga có thể thu về hơn 65 tỷ USD ngân sách trong năm nay, qua đó giúp Điện Kremlin có thêm tự tin chống lại lệnh cấm vận từ Phương Tây.
http://tintuc.vdong.vn/02/1228687.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị