Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế. Có lẽ những người Mỹ đang vật lộn với mức lạm phát cao nhất trong 40 năm không cảm thấy "đơn độc".
Tại các nước châu Âu, giá cả đang tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đồng tiền chung euro được giới thiệu. Tỷ lệ lạm phát năm 2021 ở Vương quốc Anh đạt 5,4% vào tháng 12, con số cao nhất trong gần 30 năm qua. Trong khi đó, giá tiêu dùng của Canada đang tăng nhanh gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Ngay cả ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi bong bóng bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, ngân hàng trung ương đánh giá đợt lạm phát năm vừa qua vẫn là đợt tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay chỉ có Trung Quốc là có con số lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.
Trên khắp thế giới, giá cả tăng vọt sau những đợt bùng dịch COVID-19 khiến một số ngân hàng trung ương phải xoay trục để chống lạm phát. Lạm phát bao trùm thế giới có thể tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thế giới chứng kiến sự gia tăng của chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị đứt gãy và sự suy giảm lực lượng lao động...
"Chúng ta đã trải qua một thời kỳ mà các lực lượng toàn cầu rõ ràng là không ổn định, có nhiều khả năng đẩy lạm phát lên cao hơn là giảm xuống." ông Eric Winograd, chuyên gia kinh tế cấp cao của AllianceBerntein ở New York, cho biết.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang xem xét sự pha trộn phức tạp giữa các yếu tố lạm phát toàn cầu và trong nước khi cơ quan này đang phải cân nhắc giải quyết mức lạm phát 7%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Mới đây, Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED - dự kiến sẽ tăng lãi suất bắt đầu vào tháng Ba.
Lạm phát đang xóa sổ việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ. Ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Citigroup, cho biết: "Một phần của những gì chúng ta đang thấy ở Mỹ rất giống với phần còn lại của thế giới. Sức mạnh tổng cầu của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng".
Chuỗi cung ứng toàn cầu rối ren, các cảng ở Rotterdam và Thượng Hải cũng như ở Los Angeles đang bị ngưng trệ và làm tăng chi phí các loại hàng hóa bao gồm cả lương thực và năng lượng. Trong năm qua, giá dầu toàn cầu đã tăng hơn 55%. Giá nickel, nguyên liệu được sử dụng trong các nhà máy ô tô và hàng không, tăng 27%. Và cà phê đã tăng giá gần như gấp đôi. Những hóa đơn đó đang đánh vào người tiêu dùng ở khắp mọi nơi, không riêng gì Mỹ. Trong năm qua, giá hàng nhập khẩu - đặc biệt là thực phẩm, nhiên liệu và các bộ phận công nghiệp - đã tăng hơn 10%, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ. Đó là mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 2007.
Để chống chọi với lạm phát, các công ty lớn của Mỹ phải tăng giá bán lẻ. Procter & Gamble, nhà sản xuất bột giặt Tide và khăn giấy Bounty, đã nói với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng họ đã tăng giá ở tất cả 10 loại sản phẩm của mình để thúc đẩy lợi nhuận.
Các quan chức Nhà Trắng đã mô tả lạm phát là một tác dụng phụ từ sự phục hồi mạnh mẽ, và tình trạng này sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã có phát biểu về lạm phát trong đại dịch COVID-19 như sau: "Trong trận đại dịch này, túi tiền của bạn cảm nhận rõ nhất hậu quả, đó là lạm phát, giá cả leo thang…Bất cứ nhà máy nào trên thế giới phải đóng cửa, việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến các cửa hàng, gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ bị gián đoạn".
Nhưng một số nhà kinh tế cho biết người Mỹ cũng đang chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn những nơi khác do cấu trúc của nền kinh tế Mỹ và bản chất của cuộc giải cứu tài chính "xa hoa" được chính phủ triển khai để chống lại đại dịch. Bắt đầu từ tháng 3/2020, khi các đợt đóng cửa đầu tiên đưa nền kinh tế hàng đầu thế giới vào trạng thái rơi tự do, Quốc hội đã phê duyệt tổng cộng gần 6.000 tỷ USD để giữ cho người Mỹ có thể đảm bảo chi tiêu tài chính.
Theo Fed, kể từ cuối năm 2019, giá trị ròng của các hộ gia đình Mỹ đã tăng gần 28.000 tỷ USD. Được điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập khả dụng của người Mỹ thực sự đã tăng trong thời kỳ đại dịch. Trong thời kỳ làm việc tại nhà, hàng triệu người Mỹ đã chuyển chi tiêu của họ từ nhà hàng và rạp chiếu phim sang mua hàng hóa. Việc mua tất cả quần áo, máy tính xách tay và đồ nội thất và ô tô đã làm tăng giá hàng hóa một cách bền vững, trong khi các nhà cung cấp phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.Trong năm qua, giá hàng hóa đã tăng 16,8%, gấp hơn bốn lần mức tăng của các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng, cắt tóc hoặc chăm sóc y tế.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình trạng lạm phát ở một số nước châu Phi phía Nam Sahara lại khác so với Mỹ, chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn. Thực phẩm chiếm 40% chi cho tiêu dùng, lạm phát trong khu vực năm ngoái đã nhảy vọt từ 6% lên 9%. Trong khi đó ở châu Âu, các chính sách duy trì việc làm đã trả tiền cho người sử dụng lao động để giữ công nhân của họ tiếp tục công việc, mặc dù mức lương thường thấp hơn 100%. Vì vậy, không giống như ở Mỹ, tiêu dùng của châu Âu vẫn giảm. Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết trong một bài phát biểu của mình rằng: "Động lực lớn nhất của lạm phát ở Khu vực đồng euro là giá năng lượng và tất cả chúng ta đều biết tại sao: thời tiết, trữ lượng và dự trữ khí đốt thấp, cơ sở hạ tầng chậm bảo trì, không đủ đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo, địa chính trị, tất cả đều không thể giải quyết một cách nhanh chóng".
Việc tăng lãi suất của Mỹ có thể sẽ khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các nước đang phát triển, ít nhiều làm cho nền kinh tế tăng trưởng yếu hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trong bài phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức trực tuyến rằng: "Nếu các nền kinh tế lớn lao dốc không phanh hoặc quay đầu trong chính sách tiền tệ của mình, thì sẽ có những tác động lan tỏa tiêu cực nghiêm trọng. Chúng sẽ đưa ra những thách thức đối với sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu, và các nước đang phát triển sẽ phải chịu gánh nặng của nó".
Một số ngân hàng trung ương, bao gồm cả các ngân hàng ở Mexico (Mê-hi-cô) và Hungary, đã liên tục tăng lãi suất trong hai năm dịch COVID-19 hành hoành. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ bảy trong năm 2021. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabiullina, cho biết: "Sự không chắc chắn về diễn biến của đại dịch cũng có thể khiến các biên giới quốc tế đóng cửa lâu hơn dự kiến, làm trì hoãn việc giảm bớt áp lực giá dự kiến".
Sự lây lan mạnh của biến thể Omicron buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn, sự biến động trong lĩnh vực bất động sản, nợ nần chồng chất đã đe dọa sự phục hồi của các nền kinh tế… Tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cho vay. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, nguồn cung cấp lao động giá rẻ trong nhiều năm cho các tập đoàn đa quốc gia, hiện đang giảm dần. Và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ đồng nghĩa với việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới, tốn kém hơn.
Những vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến lạm phát chỉ là tạm thời. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ được giải quyết. Dịch COVID-19 được cho là sẽ biến dần từ đại dịch chuyển thành một căn bệnh đặc hữu cần được tiêm đủ liều vaccine. Nhưng sau tất cả những khủng hoảng về kinh tế do tác động từ đại dịch COVID-19, sẽ không có bất kỳ sự đảm bảo nào là chắc chắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.67472825141202202-ia-gneir-auc-gnohk-neyuhc-am-ihp-gnat-tahp-mal/et-hnik/nv.vtv