Ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM - phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: KIM ÚT
Chiều 14-2, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM - cho biết TP đang điều trị 739 bệnh nhân, trong đó có 38 trẻ em dưới 16 tuổi, 72 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13-2, TP có 90 bệnh nhân nhập viện, 86 bệnh nhân xuất viện, 1 ca tử vong.
Ông Trịnh Duy Trọng - đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - báo cáo tại buổi họp báo - Ảnh: KIM ÚT
Thông tin về tình hình học sinh mầm non, lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại, ông Trịnh Duy Trọng - đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP - cho biết sáng nay toàn bộ học sinh đã đi học trở lại trong không khí phấn khởi. Các cơ sở giáo dục đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi các em đến trường.
Trong ngày 14-2, có khoảng 151.000 trẻ mẫu giáo đi học, chiếm 66,3%; hơn 670.000 học sinh tiểu học đi học, chiếm 96% và gần 90.000 học sinh lớp 6 đi học, chiếm 95%. Ở khối mầm non, tuần đầu tiên các cơ sở không tổ chức ăn sáng, các giáo viên, nhân viên sẽ tập trung đón trẻ vào đầu buổi sáng để tầm soát dịch.
Ông Trọng cũng cho biết trong ngày đầu tiên, khối mầm non, tiểu học và lớp 6 đã phát hiện 3 F0. Các cơ sở giáo dục đã chủ động phối hợp với ngành y tế để xử lý F0 theo đúng quy trình, các F1 đã được lấy mẫu test nhanh và có kết quả âm tính. Theo đánh giá, dịp Tết có sự tăng cường đi lại, giao lưu nên khi học sinh trở lại trường có thể đã nhiễm bệnh và đang trong thời gian ủ bệnh.
Trong tuần này, có thể tiếp tục phát sinh ca dương tính, các cơ sở giáo dục cũng có sự chuẩn bị đảm bảo an toàn. “Tuần này tình hình dịch bệnh của TP có thể sẽ có diễn biến phức tạp nên sáng nay, Sở Giáo dục và đào tạo đã có chỉ đạo khẩn các cơ sở giáo dục về tăng cường, tập trung các công tác phòng chống dịch”, ông Trọng nói.
Trong đó, TP sẽ tổ chức theo dõi và xét nghiệm tầm soát các trường hợp nghi nhiễm. Trường hợp di chuyển ra khỏi địa bàn TP khi trở về sẽ được theo dõi sức khỏe, cần thiết sẽ tổ chức xét nghiệm nếu có nguy cơ. Đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Về kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn. Tuy nhiên Sở Y tế đã có văn bản tham mưu UBND TP về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai.
Theo ông Tâm, đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 5 - 11 tuổi sinh sống tại TP.HCM. Dự kiến có khoảng 970.000 em, trong đó bao gồm trẻ đã đi học và chưa đi học. Đối với số lượng học sinh đã đi học sẽ do Sở Giáo dục và đào tạo thống kê, trẻ em chưa đi học sẽ do Sở Lao động - thương binh và xã hội thống kê.
Phó giám đốc HCDC cũng cho hay trong thời gian đợi hướng dẫn từ Bộ Y tế, HCDC đã chủ động hướng dẫn địa phương về việc bảo quản vắc xin, xử lý trường hợp tai biến… chuẩn bị tốt nhất cho trẻ khi triển khai tiêm.
Đối vối trường hợp gia đình trẻ không đồng ý việc tiêm vắc xin, ông Tâm cho hay việc tiêm không bắt buộc nên phải có sự đồng thuận từ gia đình. Nếu gia đình không đồng ý, về nguyên tắc trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm.
Bà Ông Thị Ngọc Linh - phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP - Ảnh: KIM ÚT
Bà Ông Thị Ngọc Linh - phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP - cho biết hiện đã có 25 trường cao đẳng, đại học trên địa bàn cho sinh viên đi học trở lại.
Về việc hỗ trợ sinh viên đi học, Hội Sinh viên TP đã tổ chức đội hình đón sinh viên tại các bến xe. Trong đó, có 200 tình nguyện viên tham gia đón tại bến xe Miền Tây và Miền Đông để hỗ trợ đường đi, xe buýt, khảo sát nhà trọ cho sinh viên mới nhập học. Trong ngày ra quân đầu tiên (13-2), đội hình trên đã hỗ trợ được 3.000 lượt sinh viên đến tại các bến xe. Dự kiến đợt hỗ trợ sẽ kéo dài từ ngày 13 đến 20-2.
Bên cạnh đó, Hội Sinh viên TP còn tiến hành hỗ trợ theo hình thức trực tuyến về thông tin nhà trọ, giới thiệu việc làm thêm, các suất học bổng, vay vốn tín dụng cho sinh viên, giới thiệu thêm khóa học kỹ năng…
Bà Linh cho hay khó khăn hiện nay là vấn đề tâm lý và sức khỏe của sinh viên sau ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, Hội Sinh viên TP sẽ kết hợp với hội sinh viên các trường hướng đến tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề hỗ trợ hậu COVID-19. Đồng thời, rà soát công tác tiêm vắc xin, hỗ trợ trường đảm bảo sinh viên tiêm chủng theo kiến nghị y tế, cảnh báo sinh viên về đa cấp, nội dung an toàn trong thuê trọ.
TTO - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Đặng Quốc Toàn khẳng định như vậy về thông tin lan truyền TP.HCM cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28-2 do tình hình dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.56115637141202202-ial-coh-id-6-pol-ned-1-pol-hnis-coh-non-mam-ert-ihk-0f-neih-taux/nv.ertiout