Chiều 11-9, tiếp tục phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một trong những điểm mới đáng chú ý là dự thảo quy định một chương mới về “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”.
Chế tài nghiêm khắc hơn
“Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm” - Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết.
Ông Vương nêu quan điểm của ban soạn thảo cho rằng cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn”.
Do vậy, dự thảo luật bổ sung quy định “việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy” với mục đích là ngăn chặn, không để họ tiếp tục sử dụng.
Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện ngay theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thống nhất quan điểm với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo cơ quan thẩm tra dự án luật, đây được coi là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn một người tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị lệ thuộc và trở thành người nghiện ma túy. Điều này cũng phù hợp với quan điểm cần có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời hạn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy…
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Hải Ninh
Tái nghiện sau khi chặt ngón tay cam kết không nghiện
Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá ma túy ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và dù đã có nhiều giải pháp nhưng công tác ngăn chặn, phòng ngừa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Còn Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc kể: “Giai đoạn tôi làm bí thư TP Thái Bình có đưa một cậu đã cai nghiện thành công ra làm điển hình. Cậu ta lấy dao chặt ngón tay để cam kết không nghiện nữa, thế nhưng cuối cùng vẫn nghiện trở lại. Nói vậy để thấy cai nghiện là rất khó, không phải dễ”.
Từ thực tế trên, ông Phúc nhấn mạnh trị ma túy phải trị từ gốc, phải tuyên truyền, phòng ngừa từ xa bởi “ma túy nghiện thì nhanh nhưng cai nghiện rất khó”.
Ba giai đoạn cai nghiện Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc cần phân chia rõ các giai đoạn cai nghiện. Bước đầu, tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Giai đoạn 2 là cưỡng chế đưa đi cai nghiện bắt buộc. Giai đoạn 3, theo ông Hiển, có thể tính đến việc phải cách ly ra khỏi xã hội (bỏ tù) để không gây mất an toàn cho xã hội. |
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần đánh giá lại thực trạng số người nghiện và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp.
“Một bí thư huyện nói với tôi thực tế số liệu còn gấp bốn lần số báo cáo. Số liệu nhiều hơn báo cáo bởi số người nghiện tăng quá nhanh, tháng này khác, tháng sau khác nữa nên không cập nhật được hết” - ông Giàu nói, đồng thời đề nghị cần đánh giá sâu hơn việc đưa người nghiện về cộng đồng, về gia đình cai nghiện có tốt hơn không.
Ông Giàu cho hay qua tiếp xúc cử tri, ông nhận thấy số đông cử tri không thích đưa người nghiện về cộng đồng, bởi thường nơi nào có người nghiện thì nơi đó có lo lắng về vấn đề an ninh trật tự.
Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhận xét: Xã nào, phường nào, gia đình nào có người nghiện là đều khủng hoảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. “Gia đình có con nghiện thì tan cửa nát nhà. Tương lai người nghiện rất vô vọng bởi cai nghiện vô cùng phức tạp” - ông Hiển nhận xét.
Cũng theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, số người nghiện cai được rất ít, hầu hết không thành công. “Khi “ăn” đủ thuốc thì bình thường nhưng thiếu thuốc hay quá độ lại chuyển thành tội phạm” - ông Hiển nói.
Công tác cai nghiện còn nhiều bất cập Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay công tác cai nghiện hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh số người nghiện gia tăng và xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Dự thảo luật quy định về xác định tình trạng nghiện, chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc… thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cạnh đó, dự thảo luật cũng khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân, có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Đồng thời, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy… |