Để đưa những gói hỗ trợ của Chính phủ và TP HCM đến với doanh nghiệp (DN) nhanh nhất nhằm sớm tạo tác động tích cực đến lộ trình hồi phục kinh tế, thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thủ tục hành chính công khai minh bạch, giảm bớt rườm rà.
Hỗ trợ cần thực chất
Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TP HCM cũng ban hành Chương trình phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2022-2025 và đưa vào thực hiện ngay từ đầu năm nay. Như vậy, chính sách hỗ trợ việc khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch Covid-19 là không thiếu.
Với gói hỗ trợ của Chính phủ lên đến 350.000 tỉ đồng, TP HCM hiện nay cần nghiên cứu cách triển khai sao cho đúng, hiệu quả, thực chất thông qua việc cải cách thủ tục hành chính để DN dễ dàng tiếp cận. Nói cách khác, việc triển khai các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế tiếp tục đặt ra yêu cầu về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính ở tất cả sở, ban, ngành trên mọi lĩnh vực.
Về phía DN, kể từ khi TP HCM kiểm soát tốt được dịch, dần mở cửa trở lại và nhu cầu thị trường tăng lên, bản thân họ cũng có nhu cầu khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút lại nguồn lao động. Thách thức mà DN phải đối mặt là việc tổ chức chỗ ở cho người lao động. DN rất khó khăn khi vừa phải bảo đảm phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sản xuất lẫn chăm lo cho đời sống công nhân. Thực tế, công nhân ở TP HCM phần lớn ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, không bảo đảm giãn cách nên sẽ khó yên tâm làm việc, tăng năng suất...
Kết nối giao thông với các địa phương lân cận sẽ mở ra không gian phát triển cho TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bài toán của chính quyền TP HCM hiện nay là phải xây dựng chính sách hỗ trợ ra sao cho DN và người lao động gặp khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, cần chính sách khuyến khích DN, nhà đầu tư rót vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Bài toán rất khó, không thể giải một sớm một chiều. Giải pháp căn cơ nhất là khi thành phố xây dựng các khu công nghiệp - khu chế xuất, cần tính đến nhà ở cho công nhân từ đầu.
Một đòi hỏi khác với TP HCM hiện nay là không xảy ra điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa bởi thế mạnh của thành phố là thương mại - dịch vụ. Muốn khôi phục kinh tế, cần có chính sách tác động đủ lớn để vực dậy ngành này.
DN mong muốn các lĩnh vực thương mại, dịch vụ được tổ chức hoạt động lại như giai đoạn trước khi bùng phát dịch và không bị gián đoạn trong thời gian tới. Đặc biệt, chính sách không nên thay đổi quá lớn ngay cả khi tình hình dịch bệnh có xu hướng phức tạp hơn bởi điều DN cần nhất là chính sách ổn định, không tái diễn việc "ngăn sông cấm chợ".
Người dân, hộ kinh doanh, các cơ sở thương mại hàng hóa, buôn bán và cộng đồng DN phải được tạo điều kiện yên tâm sản xuất - kinh doanh; không phải thăm dò động thái của chính quyền khi ứng phó với dịch bệnh. Dù điều này đang được TP HCM làm tốt nhưng cần tiếp tục kiên định thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Điều quan trọng nhất lúc này là các địa phương không "đóng băng" trở lại nếu không thật sự cần thiết.
TP HCM là trung tâm thương mại lớn của cả nước nên cần tiếp tục vai trò kết nối, đưa hàng hóa đến các tỉnh - thành, giúp DN yên tâm về vấn đề lưu thông, cung ứng nguyên vật liệu phục vụ đầu tư - kinh doanh và sớm khôi phục kinh tế.
Kích thích phát triển cơ sở hạ tầng
Tại TP HCM, một trong những lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho ngân sách địa phương là kinh doanh bất động sản. Nguồn thu này càng quan trọng và cần được thúc đẩy, gia tăng trong bối cảnh khôi phục kinh tế "hậu Covid-19". Muốn làm việc này, thành phố cần kiên quyết thu hồi những dự án nhiều năm không triển khai được hoặc chuyển đổi chủ đầu tư.
Còn dự án chậm triển khai do thủ tục hành chính nhiêu khê thì phải dứt khoát dẹp bỏ, tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền thành phố hoặc đề xuất tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của trung ương. Một trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà mỗi năm chỉ triển khai được vài dự án thì làm sao phát triển mạnh?
Liên quan đến vấn đề quy hoạch của TP HCM, một trong những giải pháp đột phá là thành phố nên xin cơ chế tự điều chỉnh quy hoạch trong khuôn khổ. Theo đó, những vấn đề liên quan đến quy hoạch của một quận, huyện thì chính quyền thành phố có thể giải quyết thay vì kiến nghị tới trung ương, khỏi tốn thời gian.
Xin cơ chế đặc thù trong điều chỉnh quy hoạch là để chủ động triển khai, đặc biệt là thu hút vốn vào những dự án đầu tư trung tâm tài chính, trung tâm khoa học - công nghệ. Nếu vẫn làm theo cách đề xuất, xin ý kiến và chờ các bộ - ngành thông qua chủ trương, điều chỉnh quy hoạch... thì có thể mất 3-4 năm cũng chưa xong, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Đặc biệt, đầu tư công được xem là điểm nhấn trong lộ trình phục hồi kinh tế của TP HCM. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay vẫn là sử dụng vốn từ ngân sách trung ương rót về và vốn đối ứng của thành phố. Để tạo đột phá trong tạo nguồn vốn thúc đẩy đầu tư công, thành phố có thể liên kết với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... để cùng xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào xây dựng những tuyến cao tốc, đường vành đai.
Giải pháp này đã được một số địa phương áp dụng hiệu quả, ví dụ Quảng Ninh gọi vốn đầu tư vào sân bay Vân Đồn. Đổi lại, có chính sách cho phép nhà đầu tư khai thác xung quanh tuyến đường được quyền ưu tiên khai thác khi mở đường nhưng vẫn tuân thủ quy chế đấu thầu theo thị trường.
Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam:
Đẩy mạnh toàn cầu hóa doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia có thế mạnh riêng về nguồn nguyên liệu đều hình thành nên những khu vực, trung tâm nguyên liệu lớn. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc mà phải tập trung vào những thế mạnh đang có, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả.
Dịch bệnh trong 2 năm qua đã "vô tình" giúp ngành chăn nuôi hình thành và phát triển theo hướng "chăn nuôi công nghiệp". Theo đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát gần như bị đào thải do không thể trụ lại được từ các đợt dịch bệnh liên tiếp. Chỉ có doanh nghiệp lớn, hoạt động theo chuỗi khép kín mới có đủ khả năng tồn tại và phát triển. Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế của Việt Nam song để nâng cao tỉ trọng đóng góp vào GDP cũng như góp sức nhiều hơn cho lộ trình khôi phục kinh tế đất nước, cả nước và TP HCM cần hướng đến nông nghiệp công nghệ cao.
Ở góc độ rộng hơn, TP HCM cần tập trung vào thế mạnh của mình là công nghệ cao, dịch vụ; giảm dần những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Đặc biệt, cần có giải pháp liên thông hợp lý để giải quyết tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông liên tục ở cảng Cát Lái...
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
TP HCM cần thay đổi cấu trúc kinh tế
Để TP HCM phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, không thể nóng vội, không thể làm theo những cách cũ mà cần có thay đổi triệt để.
Thách thức lớn nhất và cũng là vấn đề mấu chốt hiện nay là nguồn nhân lực. Hiện các ngành nghề đều thiếu lao động nghiêm trọng, cần chính sách thu hút hiệu quả.
Bên cạnh đó, thành phố cần nhìn nhận và đặt vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế một cách cơ bản hơn. Điểm yếu của TP HCM hiện nay là cấu trúc kinh tế dựa trên nền tảng lao động chất lượng thấp. Dựa vào đặc điểm này để phát triển là không ổn. Chưa kể, các khu công nghiệp của thành phố vẫn còn nằm trong nội đô dẫn đến ách tắc giao thông và nhiều vấn đề rủi ro nghiêm trọng khác. Nhận thức được điều này, thành phố cần hạn chế phát triển những ngành thâm dụng lao động, chuyển sang công nghệ cao. Đặc biệt, cần mở ra, phát triển liên kết vùng để giảm ách tắc ở cả cảng biển, cảng sông và cảng hàng không.
N.Hải ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2
Xem thêm: mth.8522840241202202-gnuv-tek-neil-hnam-yad-et-hnik-ioh-cuhp-ed-mad-auq-gnuhn-nac/et-hnik/nv.moc.dln