Theo các chuyên gia, rối loạn nhịp tim đang là nguyên nhân của rất nhiều trường hợp đột tử hiện nay.
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.
Suýt tử vong do chứng rối loạn nhịp tim
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh - trưởng khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
"Trong rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp nhanh thường gây nguy hiểm hơn cho người bệnh. Tất cả các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim.
Đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào", bác sĩ Tuấn Anh thông tin.
Trong vòng 1 tháng qua, Bệnh viện Thống Nhất liên tiếp ghi nhận 4 bệnh nhân mắc hội chứng QT dài (chứng rối loạn nhịp tim) nguy cơ đột tử cao phải cấp cứu, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thuốc.
Trong đó có 2 trường hợp dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp, 1 trường hợp dùng thuốc methadone cai nghiện.
Bệnh viện cũng vừa cứu sống nữ sinh 18 tuổi suýt bị đột tử khi tập văn nghệ. Theo bệnh sử, trước khi vào viện, nữ sinh đang tập văn nghệ thì cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, té gồng người và mất ý thức hoàn toàn.
Bệnh nhân được các bạn hồi sức bằng cách nhồi tim, xoa bóp tim và đưa đi cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, nguy cơ tử vong cao.
Tại bệnh viện, nữ sinh được hồi sinh tim phổi nâng cao, sốc điện, dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Hai ngày sau nữ sinh tỉnh lại, sức khỏe dần hồi phục.
Bệnh nhân được theo dõi điện tim 24 giờ và làm một số xét nghiệm chuyên sâu, kết quả bệnh nhân bị hội chứng QT dài do sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cân.
Rối loạn nhịp tim, nguy cơ đột tử cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Quốc Cường - phó khoa nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất - cho biết hội chứng QT dài là một chứng rối loạn hoạt động điện tim có thể gây rối loạn nhịp tim và dễ đột tử.
Tỉ lệ tử vong hằng năm của hội chứng này chiếm dưới 0,5% đối với người không có triệu chứng. Tuy nhiên nếu những người có tiền căn ngất trước đó thì tỉ lệ này tăng lên khoảng 5%.
Hội chứng này có thể do bẩm sinh (gene) hoặc do uống một số loại thuốc (kháng sinh, kháng histamin, hướng thần)… Ngoài ra, có thể do mắc một số bệnh lý như bệnh cơ tim phì đại, dị dạng mạch vành bẩm sinh.
Theo bác sĩ Cường, rối loạn nhịp tim thường xảy ra ở mọi độ tuổi. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp cần sàng lọc để đánh giá bệnh lý nền.
Đồng thời người bình thường nếu tham gia tập thể dục thể thao những môn có cường độ mạnh cần quan tâm đến tiền sử của gia đình nếu bị đột tử. Thường rối loạn nhịp tim xảy ra ở môn bơi lội và những môn có tính đối kháng cao như đá banh, khúc côn cầu, quần vợt…
"Rối loạn nhịp tim không có triệu chứng gì, chỉ phát hiện khi đo điện tim trong khi khám sức khỏe tổng quát. Điện tim chính là phương tiện để phát hiện được rối loạn nhịp.
Rối loạn nhịp tim thường sẽ có rối loạn nhịp nhanh và rối loạn nhịp chậm. Khi rối loạn nhịp chậm, tim hoạt động không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ thiếu oxy não và ngất. Nếu không hồi sức kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong", bác sĩ Cường cho hay.
Lưu ý tim đập chậm, nhịp xoang chậm
Theo bác sĩ Hà Thị Vân Anh, phụ trách khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương, trong rối loạn nhịp tim người bệnh cần chú ý rối loạn nhịp tim chậm, nhịp xoang chậm.
"Đối với người trưởng thành, nút xoang phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, do vậy nhịp tim bình thường cũng dao động trong khoảng đó.
Nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp chậm. Tuy nhiên, đối với một số người khỏe mạnh hoặc vận động viên, nhịp tim thường chậm khoảng 40-50 nhịp/phút bởi tim ở những đối tượng này chỉ cần bóp ít nhịp đã đủ để đi nuôi cơ thể", bác sĩ Vân Anh nêu.
Theo bác sĩ Vân Anh, sau khi thực hiện kiểm tra lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, đo nhịp tim có thể chẩn đoán được tình trạng nhịp tim chậm, nhịp xoang chậm. Người nhịp tim chậm chưa chắc đã có nhịp xoang chậm, bởi vậy cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
"Nhiều nguyên nhân dẫn đến nhịp tim chậm như quá trình lão hóa, mắc bệnh lý về tim như bệnh mạch vành, viêm cơ tim, suy tuyến giáp, suy nút xoang… hoặc người sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tim, cao huyết áp cũng gây nên tình trạng nhịp tim chậm.
Trong trường hợp này nếu giảm liều thuốc, nhịp tim sẽ được nâng lên như ban đầu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ gây nhịp tim như hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, căng thẳng kéo dài, lo âu", bác sĩ Vân Anh nêu.
Bác sĩ Vân Anh cũng cho hay nhịp tim chậm ở mức độ nhẹ thường ít có triệu chứng nên người bệnh rất khó phát hiện, chỉ khi nhịp tim đập quá chậm dưới 45 nhịp/phút mới ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác.
Những biểu hiện thường gặp như cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng, hụt hơi, hơi thở ngắn, đau ngực, đánh trống ngực, tụt huyết áp.
Sơ cứu bệnh nhân rối loạn nhịp tim ra sao?
Bác sĩ Quốc Cường cho biết khi người bệnh có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, người xung quanh nên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi nhằm mục đích tránh thiếu máu não phòng ngừa chết não, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tim mạch, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân dùng thuốc mạn tính trong thời gian dài, khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng phụ và hỏi kỹ bác sĩ khi chưa rõ cách sử dụng.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên tạp chí "European Heart Journal" số ra mới nhất cho thấy, stress thực sự đã gây ra các bệnh liên quan đến động mạch vành như rối loạn nhịp tim.