Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến cắt ngang đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Đồ họa: TTO
Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm chủ tịch hội đồng, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm phó chủ tịch hội đồng.
Ngoài ra, hội đồng có các ủy viên là lãnh đạo các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công thương, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Trước đó, ngày 11-2, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư với chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.
Dự án này được phân thành 3 đoạn có quy mô 4-6 làn xe. Dự án có mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Còn đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5km (qua Khánh Hòa khoảng 32,7km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km). Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỉ đồng từ vốn đầu tư công.
Dự án xây dựng 7,7km đầu tuyến phía Khánh Hòa quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m. Đoạn tiếp theo đến cuối tuyến phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m.
Các hầm, cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao đầu tư theo quy mô hoàn thiện; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện.
Dự án được chuẩn bị trong năm 2021 - 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư theo quy mô phân kỳ 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m), giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô đã quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 45.024 tỉ đồng từ vốn đầu tư công.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 và thi công xây dựng công trình trong giai đoạn 2023 - 2025, cơ bản hoàn thành năm 2026.
Các dự án trên đều được đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội về: chỉ định thầu, khai thác vật liệu, phân cấp cho UBND các địa phương thực hiện.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hội đồng thẩm định nhà nước được thành lập theo quyết định số 1456/QĐ-TTg của Thủ tướng vào ngày 3-9-2021 tiếp tục thẩm định dự án theo hình thức đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Phó thủ tướng giao Hội đồng thẩm định nhà nước, các bộ, ngành liên quan khẩn trương thẩm định các dự án trên bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
TTO - Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Văn Thành với các bộ, địa phương về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.