Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên thứ 8 - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 15-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Theo quy định, dự thảo luật quy định cho phép Cảnh sát cơ động vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân (điều 13).
Cụ thể, Cảnh sát cơ động vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phải quy định rõ "quy định của pháp luật Việt Nam" ở đây là quy định nào chứ không nên quy định chung chung. Bởi theo bà, quy định như trên thì ngay cả cảnh sát cơ động cũng không biết tìm điều luật nào để tuân thủ.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn quy định việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố song Luật phòng chống khủng bố lại không quy định cụ thể về việc này.
Trong khi đó, trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm, đã được hiến định, nên cần phải quy định trong luật rõ ràng để thực hiện.
Ngoài ra, một trong những nội dung được quan tâm là quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong "hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ băn khoăn vì Luật ngân sách nhà nước không quy định hỗ trợ. "Tại sao không quy định ngân sách nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động của cảnh sát cơ động mà lại quy định HĐND, UBND có hỗ trợ?", bà Nga nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, quy định như dự thảo luật không sai với Luật ngân sách nhà nước. Theo ông, thực tế các địa phương đều hỗ trợ cho lực lượng công an, quân đội trong các trường hợp phòng chống thiên tại, dịch bệnh, chống lâm tặc… trên cơ sở địa phương phải được vào dự toán ngân sách hằng năm.
Ông dẫn chứng là trong hoạt động chống dịch vừa qua đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động, các lực lượng vũ trang rất nhiều. Trong khi đó, ngân sách cấp trên chưa giải quyết được kịp thời thì ở cấp địa phương có quyền hỗ trợ và luật cho phép.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật ngân sách nhà nước cấm ngân sách cấp này chi cho cấp kia nhưng cho phép ngân sách địa phương được hỗ trợ cho các đơn vị trung ương như công an, tòa án, viện kiểm sát và các lực lượng khác trên địa bàn khi tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, địch họa…
Dẫn chứng bộ đội huy động cả tiểu đoàn "dầm mưa dãi nắng" gặt lúa cho dân trong lúc chạy lũ. Nhiệm vụ này không phải của bộ đội nhưng việc của dân phải xông vào làm. Trong khi dự toán kinh phí của Bộ Quốc phòng không chi cho việc này, cho nên địa phương có hỗ trợ, nên ông Huệ cho rằng quy định như dự thảo luật "không trái với Luật Ngân sách nhà nước".
"Tôi thấy không có vấn đề gì cả. Không chỉ ngành công an, mà nhiều ngành dọc khác nữa như Hà Nội bỏ tiền xây trụ sở cho tòa án, rồi các tỉnh khác cũng hỗ trợ xây trụ sở cho lực lượng công an xã chính quy, chứ chờ kinh phí của Bộ Công an thì bao giờ mới có được", ông Huệ nêu ý kiến.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vào tháng 5-2022.
TTO - Sáng 26-10, thảo luận dự thảo Luật cảnh sát cơ động, nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi việc có nên hay không trang bị tàu bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động.