Từ 0h ngày 15.2, Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, mở cửa trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Việc mở cửa đường bay quốc tế thực hiện với toàn bộ các thị trường hàng không, không còn hạn chế về tần suất bay và điểm bay là cơ hội để Việt Nam phục hồi giao thương, vận tải và du lịch.
Việc trở lại “bầu trời” quốc tế đã sẵn sàng
Theo văn bản Cục hàng không Việt Nam gửi Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ, từ 17:00 (UTC) ngày 14.2.2022 (tức 0h ngày 15.2.2022, giờ Việt Nam), Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ, không thường lệ.
Theo ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - việc dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác thực hiện với toàn bộ các thị trường đã khai thác trước khi có dịch COVID-19 chứ không chỉ với các thị trường đã khai thác thí điểm thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trước ngày 30.3 phải mở lại du lịch quốc tế, mà muốn mở lại du lịch quốc tế thì hàng không phải đi trước một bước. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo cục triển khai mở lại tất cả các thị trường trước đây đã khai thác, bình thường như trước khi có dịch. Như vậy, toàn bộ các thị trường sẽ mở lại, không còn hạn chế về tần suất bay và điểm bay.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, tại thời điểm này, ngành Hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch COVID-19. Tần suất các đường bay sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hành khách nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các quy định hiện hành về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế.
Trước đó, từ 1.1.2022, các hãng Hàng không Việt Nam đã dần nối lại hoạt động bay quốc tế tới một số thị trường. Như Bamboo Airways thông báo triển khai các đường bay quốc tế đến Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Đức, Austrlia…; Vietnam Airlines thông báo nối lại đường bay quốc tế đến Anh, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… và Vietjet thông báo khai thác trở lại các đường bay kết nối tới Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Qua các chuyến bay thí điểm quốc tế trong tháng 1.2022 cho thấy, việc khôi phục lại đường bay thương mại thường lệ quốc tế góp phần hiệu quả thúc đẩy đầu tư, khôi phục du lịch, phát triển kinh tế, nhất là giúp doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại của các chuyên gia, nhà đầu tư, công dân Việt Nam... Khi bay thương mại quốc tế thường lệ có lịch trình biết trước, người có nhu cầu đi lại có thể lên kế hoạch thuận lợi, nhiều hãng cùng bay giúp giá vé cạnh tranh.
Theo Vietnam Airlines từ ngày 15.2.2022, hãng vẫn tiếp tục khai thác các đường bay đã mở, đồng thời tiến tới phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách các quốc gia, vùng lãnh thổ, điểm đến và diễn biến của thị trường. Hãng bay luôn sẵn sàng bay quốc tế, chỉ có vấn đề là phải bỏ rào cản kỹ thuật người nhập cảnh phải cách ly.
Phục hồi giao thương, vận tải và du lịch
Việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả các thị trường là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu du lịch trong thời gian tới.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Trung Quốc, còn tất cả các quốc gia Việt Nam mà đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý nối lại chuyến bay thường lệ. Hiện với các đường bay tới Châu Âu, Australia, Mỹ… các hãng hàng không nội địa đều đã có hoạt động khai thác. Cùng đó, các hãng bay Việt cũng đang lên kế hoạch khai thác đường bay tới các thị trường mới như: Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… Hiện các hãng hàng không Việt là Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đã khôi phục lại các đường bay quốc tế thường lệ tới các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Australia, Châu Âu, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ chiều về được phép chở công dân Việt Nam về nước, khách công vụ, chuyên gia và thí điểm một số chuyến bay đón khách du lịch quốc tế.
Theo các chuyên gia, với tỉ lệ tiêm vaccine tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra chính sách thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Cục Hàng không Việt Nam cần báo cáo Bộ GTVT kết quả nối lại đường bay quốc tế trong tháng 2.2022 để bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bamboo Airways cho biết hãng này đã chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực để khai thác đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam từ rất sớm, dài hạn, bài bản, kỹ lưỡng. Đây cũng là tiến trình cần thiết đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường, trong bối cảnh các điều kiện đều đã chín muồi. Nằm trong kế hoạch tái khai thác các đường bay quốc tế đầu năm 2022, đối với khu vực Châu Á nói chung, Đông Bắc Á nói riêng, Bamboo Airways triển khai khai thác đường bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).
Đối với các đường bay dài xuyên châu lục đến Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Bamboo Airways sẽ triển khai các chặng bay kết nối Hà Nội với Frankfurt (Đức); TPHCM với Melbourne (Australia), Hà Nội - London (Anh)… Hãng cũng dự kiến triển khai các đường TPHCM - Frankfurt (Đức), Hà Nội/TPHCM - Berlin/Munich (Đức) và đặc biệt là đường bay thẳng đến Mỹ trong giai đoạn tới. Hiện vé các cửa chặng bay quốc tế thường lệ (chở khách 2 chiều) kết nối Việt Nam với Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore giai đoạn từ 2.2022 đến 26.3.2022 đã được Bamboo Airways mở bán rộng rãi trên các kênh phân phối. Tần suất bay sẽ được tăng cường tùy theo nhu cầu của thị trường và sự cho phép của nhà chức trách.
Xem thêm: odl.9624101-hcil-ud-gnouht-oaig-ioh-cuhp-et-couq-yab-gnoud-auc-om/et-hnik/nv.gnodoal