Giá vàng rơi thẳng đứng sau tin Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Như vậy giá vàng thế giới đã bốc hơi 25 USD/ounce, tương đương 690.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 51,21 triệu đồng/lượng.
Tuy vậy, giá vàng trong nước chưa theo kịp diễn biến của giá vàng thế giới. Cuối ngày hôm nay, Công ty SJC vẫn niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 62,95 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Các tiệm vàng lớn chiều nay cũng niêm yết giá mua bán vàng quanh ngưỡng 62,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,7 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC ở mức thấp hơn: 62,8 triệu đồng/lượng. Giá mua vào ở mức 62,15 triệu đồng/lượng.
Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn đến 11,74 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 tăng lên mức 54,25 triệu đồng/lượng, cao hơn 3,04 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Trước đó, trong suốt một tuần qua, giá vàng thế giới đã liên tục tăng do nhu cầu trú ẩn lên cao sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào. Khi đó còn có nhiều dự báo khả năng giá vàng thế giới sẽ lên mức kỷ lục mới nếu Nga tấn công Ukraine.
Từ trước đến nay, giá vàng vốn thường lên cao mỗi khi xuất hiện căng thẳng về địa chính trị.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới còn đi lên do lo ngại lạm phát ở Mỹ. Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 7,2 - 7,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, với việc Nga thông báo rút quân khỏi biên giới với Ukraine, giá vàng thế giới đã lập tức giảm mạnh.
TTO - Nga cho biết nước này đang rút một số lực lượng gần biên giới với Ukraine về các căn cứ của họ. Đây được xem là bước quan trọng đầu tiên nhằm giảm leo thang căng thẳng sau nhiều tuần khủng hoảng với phương Tây.