Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: An sinh xã hội là nền móng
Phòng chống dịch Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong năm 2022 với tinh thần không một phút nào được lơi lỏng, đứt quãng. Tác hại của dịch bệnh là vô cùng ghê gớm bởi ngoài việc phải tổ chức giãn cách xã hội gây ảnh hưởng đến nhịp phát triển kinh tế đất nước và TP HCM, nó còn tàn phá nguồn nhân lực một cách nghiêm trọng. Tăng cường biện pháp phòng chống dịch, nâng cao năng lực của cơ sở y tế chính là xây dựng lá chắn quan trọng để chiến lược hồi phục kinh tế - xã hội thành công.
Tiếp theo, TP HCM cần tranh thủ tận dụng, khai thác hiệu quả tất cả cơ hội, chính sách hỗ trợ ở cấp trung ương lẫn thành phố. Muốn làm được, bộ máy công quyền, bao gồm cán bộ ở tất cả các cấp từ thành phố xuống quận/huyện, phường/xã, sở - ngành, đều phải nỗ lực hết sức vì cái chung, xóa bỏ tình trạng tắc trách hay tư tưởng "xả hơi". Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là việc không dễ dàng nên nếu mỗi cán bộ không nỗ lực, sâu sát với người dân, DN thì khó có thể về đích.
DN là trung tâm của nền kinh tế và người lao động là trung tâm của DN. Sau đợt dịch tàn phá, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người lao động trở lại TP HCM nhưng phải ở trong những khu nhà trọ lụp xụp, không còn tích lũy, con cái nheo nhóc... TP HCM phải cùng với DN giải bài toán nhà ở cho công nhân vốn đã nói từ lâu nhưng làm chưa đến đâu; xây dựng trường mẫu giáo, trường học cho con em người lao động... Những vấn đề về kinh phí, quỹ đất để làm việc này cần được thành phố quan tâm tháo gỡ. Ngược lại, DN cũng phải chủ động tận dụng sự hỗ trợ của địa phương để tự giải bài toán nhà ở cho người lao động. An sinh xã hội là nền móng rất quan trọng cho giai đoạn hồi phục kinh tế - xã hội bởi có nguồn nhân lực thì mới tổ chức được sản xuất - kinh doanh.
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần gói hỗ trợ giảm chi phí cho DN
Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, DN hồi phục kinh tế - xã hội đã được ban hành cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã đặt người dân, DN vào vị trí trung tâm của nền kinh tế và nỗ lực hỗ trợ với tinh thần "không để lỡ ngày nào". Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc triển khai các gói hỗ trợ hiện nay, cần rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước đây. Năm 2020, có nghị quyết được ban hành từ tháng 3 nhưng đến tháng 10 mới đưa vào cuộc sống là quá chậm.
Điểm nghẽn lớn trong quá trình thực hiện các chương trình hồi phục kinh tế vẫn là rào cản từ thủ tục hành chính. Ngay tại TP HCM, rất nhiều điểm nghẽn được DN phản ánh trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường... Cần hình thành nhóm chuyên trách trực thuộc UBND TP HCM để làm nhiệm vụ ghi nhận, tháo gỡ những rào cản, tắc nghẽn khiến dự án của DN không được triển khai suôn sẻ. Nếu những điểm nghẽn không thuộc thẩm quyền thành phố xử lý, có thể làm việc với bộ - ngành, kiến nghị Chính phủ tìm hướng giải quyết. Quan trọng nhất là cách làm việc, cách điều hành phải quyết liệt.
DN trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh đã bào mòn hết nguồn lực. 2022 là năm quan trọng để DN phục hồi và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài các chính sách đã có, nên nghiên cứu thiết kế thêm gói giảm chi phí (thuế, phí, lệ phí...) cho DN trên mọi lĩnh vực, nhất là DN vừa và nhỏ, DN thuộc nhóm ngành du lịch, dịch vụ, vận tải...
Ngoài ra, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh/thành, quận/huyện đến phường/xã hay sở - ngành có thể tổ chức những buổi gặp mặt định kỳ với DN để đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho họ. Chương trình, chính sách hồi phục đã có đủ, quan trọng là mỗi địa phương chọn cách làm thế nào cho hiệu quả với tinh thần bám sát thực tế, đặt nhu cầu của DN lên hàng đầu.
Phương Nhung ghi