vĐồng tin tức tài chính 365

Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời

2022-02-16 08:49
Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời - Ảnh 1.

Hành khách nước ngoài đến TP.HCM tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các hãng hàng không trong nước và nước ngoài đang lên kế hoạch tăng tần suất quốc tế đi, đến Việt Nam. Thế nhưng, để hàng không thực sự thông thoáng cần nhiều yếu tố cũng như việc mở cửa của các nước.

Sẽ tăng tần suất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết bộ phận thương mại họp liên tục để lên kế hoạch khai thác bay quốc tế trong thời gian tới. Nếu bay ngay sau ngày 15-2 vẫn chưa hiệu quả, các hãng cần thời gian lên chương trình kích cầu, thăm dò nhu cầu thị trường, lượng khách đi lại rồi mở bán vé. 

Chưa kể, hãng bay muốn bay nhưng vẫn phụ thuộc vào độ mở cửa của từng quốc gia.

Bà Đặng Thị Thanh Huyền, đại diện Hãng Asiana Airlines tại khu vực miền Nam, cho rằng tuy không còn hạn chế đối với các chuyến bay thương mại nhưng về quy định xuất nhập cảnh đối với khách vẫn chưa trở lại như trước dịch. Vì vậy khách được nhập cảnh vẫn còn ít. 

Dự định thời gian đầu, hãng hàng không lớn thứ 2 của Hàn Quốc này sẽ khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Vietnam Airlines nhận định từ nay đến cuối tháng 4, khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn sẽ tập trung chủ yếu là khách Việt hồi hương và một số ít khách công vụ, chuyên gia. 

Trước mắt, hãng duy trì các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia.

Tùy thị trường và nhu cầu của khách, hãng khai thác tần suất duy trì khoảng 1 - 5 chuyến/tuần, riêng đường bay Nhật lên đến 7 chuyến/tuần.

Đại diện Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết đã chuẩn bị để khai thác chuyến bay đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam từ rất sớm, dài hạn, bài bản, kỹ lưỡng.

Theo đại diện hãng, trong tháng 3-2022 sẽ đẩy mạnh khai thác bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Đài Bắc, Incheon (Hàn Quốc), Singapore, Thái Lan và dự kiến phát triển nhiều đường bay tới Lào, Campuchia... ngay trong hè 2022.

"Tân binh" Vietravel Airlines cũng cho biết đang xúc tiến làm việc với các đối tác du lịch trong nước và tổng đại lý tại nước ngoài để đưa khách du lịch từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. 

Hãng này nhắm đến khai thác các thị trường khá cởi mở như Thái Lan, Indonesia vào cuối quý 2-2022 và các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á vào quý 3 và quý 4-2022.

Chiều 15-2, đại diện Vietjet cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi tần suất bay từ TP.HCM - Bangkok 6 chuyến khứ hồi/tuần và giảm 50% giá vé so với thời điểm hiện tại. Với đường bay này, Vietjet bay trở lại hằng ngày sau một thời gian dài bị hạn chế do đại dịch. 

Hãng cũng nhanh chóng khôi phục toàn bộ mạng bay sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ Hà Nội, TP.HCM với Tokyo, Đài Bắc, Seoul, Singapore và Bangkok.

Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời - Ảnh 2.

Khách du lịch nước ngoài tham quan TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Còn nhiều trở ngại

Bộ GTVT đã công bố mở bay thương mại định kỳ với tất cả các nước và Cục Hàng không đang khẩn trương đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn trong việc mở cửa quốc tế, cần sớm giải quyết mới có thể thông thoáng trong lộ trình chào đón khách đến Việt Nam. 

Như nhiều doanh nghiệp băn khoăn về những trở ngại như về thị thực và kiến nghị Bộ Ngoại giao cần cấp mới thị thực cho khách, kể cả chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư chưa có thị thực nhưng muốn sang Việt Nam hợp tác làm ăn. Áp dụng miễn thị thực song phương, đa phương, đơn phương với khách ở các quốc gia như đã áp dụng trước dịch.

Hiện tại Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của khoảng 73 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vấn đề là phải đàm phán để các quốc gia cũng công nhận hộ chiếu vắc xin cho công dân Việt Nam. Nếu không, như Singapore hiện nay, công dân Việt Nam đến nước này sẽ bị cách ly. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần lên phương án cho phép tất cả các tỉnh thành mở cửa đón khách quốc tế bình thường. Bởi muốn thu hút được khách quốc tế đến du lịch cần phải có quy trình chống dịch như khách nội địa, không cách ly du khách. 

Thống nhất áp dụng kết quả xét nghiệm PCR, ai âm tính, đã tiêm 2 mũi thì được nhập cảnh, không bị cách ly.

"Các doanh nghiệp lữ hành, hàng không đang "nóng ruột" chờ các bộ ban hành sớm các quy định ngay trong tháng 2 này để lập kế hoạch, chuẩn bị phương án bay, đón khách du lịch. Từ đó khách có thời gian sắp xếp, chọn lựa điểm đến chủ động hơn. Vì công tác chuẩn bị của các hãng hàng không và du lịch cần tới cả tháng", đại diện một hãng bay nhấn mạnh.

Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời - Ảnh 3.

Hành khách tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giám sát phòng dịch thế nào khi mở chuyến bay quốc tế?

Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - trả lời về vấn đề trên:

- Người nhập cảnh trước khi vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ tính đến thời điểm nhập cảnh.

- Khai báo y tế trước khi nhập cảnh và khai báo y tế trên phần mềm PC-COVID sau khi nhập cảnh, không phải xét nghiệm nhanh khi tới sân bay như trước đây.

- Người đã tiêm đủ mũi vắc xin hoặc vừa khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng được phép tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 3 ngày. Đến ngày thứ 3 y tế địa phương sẽ tới lấy mẫu xét nghiệm; nếu âm tính, theo dõi thêm nửa ngày.

- Người tiêm chưa đủ mũi vắc xin thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày (nếu đủ điều kiện), lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày.

XUÂN MAI

Đà Nẵng: hàng không đã sẵn sàng, chờ hướng dẫn bay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Kiều Hưng, phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở lại các chuyến bay quốc tế.

"Sân bay đã hoạt động bình thường, chủ yếu là các hãng hàng không phải có khách để tổ chức chuyến bay, các công ty du lịch mở bán được tour. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch làm việc và mong chờ các chuyến bay quốc tế nối lại để anh em lao động có việc làm.

Nhiều anh em đã nghỉ việc không lương thời gian dài, khi nối lại hoạt động chúng tôi sẽ cho đào tạo, huấn luyện trở lại là vào việc ngay", ông Hưng chia sẻ.

Ông Đỗ Trọng Hậu, phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, cũng cho biết đã sẵn sàng đón và phục vụ chuyến bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các đơn vị đang chờ đợi cuộc làm việc với UBND TP Đà Nẵng vào cuối tuần này để biết được quy định, thủ tục tổ chức chuyến bay quốc tế cụ thể ra sao mới có thể lên kế hoạch khai thác trở lại.

TẤN LỰC

Du lịch vẫn chờ chính sách visa

Nếu mở cửa bầu trời mà chính sách visa, quy định về xuất nhập cảnh không mở đồng bộ thì ngành du lịch vẫn khó phục hồi.

Sau hơn hai năm đóng băng, hiện một số công ty lữ hành tại TP.HCM đã bắt đầu giới thiệu tour du lịch nước ngoài dành cho người Việt. Nhiều tour khởi hành định kỳ, đem đến một sinh khí mới cho ngành du lịch ngay sau Tết Nguyên đán.

Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời - Ảnh 6.

Du khách Việt Nam trong các tour du lịch nước ngoài trước thời điểm dịch COVID-19 - Ảnh: NGUYỄN MINH

Người Việt đi Maldives, Dubai...

Ông Bùi Thế Duy, tổng giám đốc Lửa Việt, cho biết ngay sau Tết đơn vị liền tung ra chùm tour đi Dubai 4 ngày 4 đêm giá gần 29 triệu đồng/người và khách đăng ký hỏi tour rất nhiều. 

"Chỉ sau một ngày chào bán, công ty đã chốt xong đoàn khởi hành ngày 18-3 và đang kết sổ gần hết đoàn ngày 29-4. Tâm lý đi du lịch nước ngoài hiện nay của người Việt đang lên rất cao, chỉ cần có chính sách đảm bảo an toàn tốt, khách sẽ yên tâm lên đường", ông Duy nói.

Theo ông Duy, quy định hiện nay bắt buộc du khách xuất cảnh phải xét nghiệm PCR. Nhưng doanh nghiệp áp dụng chính sách nếu khách xét nghiệm trước khi đi chẳng may dương tính thì được hoàn 100% tiền, trường hợp rớt visa cũng như vậy. 

"Theo quy định, khách Việt Nam đi nước ngoài, quay trở về vẫn đảm bảo cách ly 3 ngày và các công ty du lịch sẽ tư vấn để du khách thực hiện cách ly đúng", ông Duy nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết trong tháng 2-2022 một số tour sẽ khởi hành như đi Mỹ tuyến San Francisco - Los Angeles kết hợp thăm thân trong 6 ngày 5 đêm, khởi hành định kỳ vào thứ bảy hằng tuần giá 90 triệu đồng. Hay tour Maldives 5 ngày 4 đêm, giá khoảng 70 triệu đồng với lịch khởi hành cố định. 

"Chúng tôi mở trước với những thị trường nới lỏng các điều kiện nhập cảnh rất thông thoáng, thậm chí không cần chứng nhận, hộ chiếu vắc xin, vừa cập nhật thông tin vừa mở dần mảng outbound", ông Yên nói.

Công ty Vietravel cũng đã chào bán hành trình bờ Tây nước Mỹ 10 ngày 9 đêm giá từ 99 triệu đồng hay tour Campuchia đi bằng máy bay 4 ngày 3 đêm giá gần 20 triệu đồng... với phản hồi từ khách rất tích cực. 

Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành khách cũng đang tiếp tục mở rộng đường tour quốc tế dựa trên kết nối lại các đường bay của hãng hàng không và triển khai thêm đường bộ.

Cần nới lỏng thị thực với khách du lịch quốc tế ngay

Theo các doanh nghiệp, việc hàng không nối tất cả chuyến bay thường lệ quốc tế sẽ giúp ngành du lịch có thêm hy vọng mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế sớm hơn kế hoạch là từ ngày 31-3 tới. 

Ông Nguyễn Ngọc Toản - tổng giám đốc Images Travel, chuyên thị trường khách Âu - cho biết hàng không đã mở cửa nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn nối lại hoàn toàn du lịch quốc tế cần có chính sách đồng bộ từ ngành hàng không, thị thực đến y tế và cả điểm đến.

"Khi nào chính sách visa hồi phục lại như cũ thì doanh nghiệp lữ hành mới hy vọng đón khách quốc tế vào một cách bình thường. Hiện nay chúng tôi vẫn làm việc với các nhà điều hành tour quốc tế, đẩy sản phẩm cho thị trường cuối năm. Nhưng muốn tận dụng tốt cơ hội mở cửa, chính sách visa du lịch cần công bố sớm, nếu không chúng ta mất thêm nhiều tháng nữa", ông Toản nêu ý kiến.

Nhiều nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Bắc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào đã đề nghị nối đường bay với Việt Nam, vì vậy đây cũng là những thị trường du lịch nối lại trước. Tuy nhiên, các thị trường này vẫn đang chờ hướng dẫn chính sách visa để triển khai hoạt động du lịch.

Theo Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho biết du lịch Hàn Quốc đã sẵn sàng các kế hoạch xúc tiến, quảng bá với thị trường Việt Nam. KTO cũng đã làm việc với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam để xúc tiến các hoạt động du lịch ngay khi có hướng dẫn về quy định xuất nhập cảnh, thị thực...

Theo ông Lại Minh Duy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch TP vẫn theo sát chủ trương chung của Chính phủ, của ngành du lịch để vừa thai thác vừa đảm bảo yếu tố an toàn cho cộng đồng, tâm thế sẵn sàng để có "lệnh" là xúc tiến ngay các đoàn tour quốc tế. 

Trong năm 2022 có nhiều cơ hội để khôi phục các thị trường gần, trong đó có các thị trường Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và các thị trường khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản.

Ông William Haandrikman (đồng chủ tịch Nhóm công tác du lịch của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam):

Nên cấp thị thực 3 tháng

Để cho phép khách quốc tế và đối tác có đủ thời gian lập kế hoạch, chúng tôi đề xuất khoảng thời gian ban đầu là 5 năm và tăng số ngày từ 15 ngày lên 30 ngày với nhiều yêu cầu.

Ngoài ra, chúng tôi muốn đề xuất chính sách thị thực du lịch ba tháng cho các thị trường nước ngoài chi tiêu cao, những người muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày.

Tôi muốn nhắc lại lần nữa: các quốc gia cạnh tranh trong khu vực đã cung cấp thị thực như vậy và đã có nhiều bước tiến thành công.

NHƯ BÌNH

Đề xuất từ 15-3 cấp visa như trước khi có dịch

Sáng 15-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành bàn những nội dung chi tiết để có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15-3. 

Như việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15-3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm: cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời - Ảnh 8.

Du khách nước ngoài hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế - Ảnh: TẤN LỰC

Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin và phòng chống dịch COVID-19. 

"Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, mũi thứ 2 không quá 6 tháng, hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc xin", cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân nói thêm.

Riêng với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. 

Những người không có triệu chứng nghi ngờ về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 giờ và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. 

Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

N.AN

Báo chí nước ngoài đưa tin Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế

Ngay sau khi Việt Nam thông tin từ ngày 15-2, Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế, trở lại với tần suất bay bình thường như trước đại dịch COVID-19, hàng loạt báo, đài quốc tế đưa tin về việc này. 

Trong đó, Hãng tin Reuters dẫn lại phát biểu của ông Đinh Việt Sơn - phó cục trưởng Cục Hàng không - khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 13-2, cho biết từ ngày 15-2 Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước dịch COVID-19.

Nhiều báo, đài như Straits Times (Singapore), Bangkok Post (Thái Lan) hay Al Jazeera (Qatar)... cũng dẫn lại thông tin từ Reuters. Biên tập viên tin tức của mạng xã hội việc làm Linkedin chọn đây là 1 trong 5 tin tức đáng quan tâm nhất trong ngày 15-2. 

Rất nhiều chuyên gia, người lao động và chủ doanh nghiệp bàn tán sôi nổi về các vấn đề liên quan tới sự kiện Việt Nam mở lại hoàn toàn đường bay quốc tế.

Phần lớn các ý kiến trên Linkedin cho rằng đây là tin tức tốt ở khu vực Đông Nam Á, sau khi châu Âu, Úc và nhiều nơi khác cũng đã nới lỏng các hạn chế. Himanshu Chandra, nhà tư vấn chiến lược từ Singapore, nhận định Việt Nam sắp tới sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vực dậy ngành du lịch sau khi phải đóng cửa suốt 2 năm qua vì dịch.

Nhiều người dùng Linkedin nước ngoài bày tỏ mong muốn đến Việt Nam trong thời gian tới, nhưng còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp liên quan đến thủ tục nhập cảnh, xét nghiệm và cách ly khi tới Việt Nam.

Hãng tin Reuters đánh giá Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ khi bắt đầu đại dịch, nhưng việc này cũng ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch đang phát triển - vốn chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

MINH KHÔI

Ngày 15-2, Tân Sơn Nhất đón 24 chuyến bay quốc tếNgày 15-2, Tân Sơn Nhất đón 24 chuyến bay quốc tế

TTO - Từ ngày 15-2, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm đóng cửa. Theo lịch khai thác, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ 24 chuyến bay thương mại chở khách quốc tế.

Xem thêm: mth.32712720061202202-iort-uab-auc-om-ib-nauhc-pihn-nohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa bầu trời”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools